Chiều 28/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Báo Đầu tư đã phối hợp tổ chức lễ vinh danh các doanh nghiệp đoạt giải Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2021 (VLCA).
Sau hơn 6 tháng bình chọn, ban tổ chức VLCA đã chọn ra được 38 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững.
Ngoài ra, ở mỗi hạng mục, Ban tổ chức cũng chọn một doanh nghiệp có sự tiến bộ vượt bậc để trao giải “Tiến bộ vượt trội” nhằm ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin.
Với hạng mục Báo cáo thường niên, lần đầu tiên việc chấm điểm ở vòng sơ khảo được thực hiện bởi nhóm chuyên gia độc lập đến từ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo (Trường đại học Bách khoa TP. HCM). Kết quả sơ khảo sau đó được thẩm định một lần nữa bởi HOSE và HNX, trước khi chuyển cho 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC soát xét nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn.
Theo đánh giá của ban tổ chức, khó khăn do dịch bệnh trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm 2020 và 2021 ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổng hợp thông tin, đúc kết soạn thảo và công bố báo cáo thường niên. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua các khó khăn để soạn thảo báo cáo thường niên, cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc. Điểm số đánh giá báo cáo thường niên của doanh nghiệp đã có sự cải thiện trong năm 2021 với nhiều doanh nghiệp đạt mức điểm cao hơn so với năm 2020.
Nhóm vốn hoá trung bình gồm 145 công ty đã có sự cải thiện điểm so với năm 2020 ở cả hình thức lẫn nội dung. Ở nhóm các doanh nghiệp top 10 của nhóm vốn hoá trung bình, không có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng so với nhóm top 10 doanh nghiệp nhóm vốn lớn. Các báo cáo của các doanh nghiệp vào Top 10 có sự nổi bật với nội dung rõ ràng, chi tiết, cụ thể và đa dạng, cho thấy các doanh nghiệp này đã đầu tư kỹ lưỡng cho báo cáo thường niên.
Nhóm vốn hóa nhỏ có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất, với 306 công ty với chất lượng báo cáo vẫn còn yếu, điểm trung bình và trung vị đều còn thấp, dưới mức trung bình cho thấy doanh nghiệp ở nhóm này chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của báo cáo thường niên. Tuy điểm trung bình của nhóm vốn hóa nhỏ không cao, nhưng những gương mặt đoạt giải trong Top 5 Báo cáo thường niên nhóm vốn hóa nhỏ thực sự là những báo cáo xứng đáng được vinh danh.
Đối với Hạng mục Quản trị công ty, theo đánh giá của hội đồng bình chọn, điểm số doanh nghiệp năm 2021 có tiến bộ hơn so với năm 2020, với nhiều doanh nghiệp có điểm ở mức cao hơn.
Bên cạnh đó, ở các khoản điểm cao trên 80 điểm đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp hơn, có thể trở thành các ứng viên tiềm năng cho các giải quản trị tốt của khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, đáp ứng các thông lệ quản trị tốt vẫn là một thách thức lớn với doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy, trong Dự án đánh giá quản trị công ty khu vực ASEAN, Việt Nam đã nhiều năm vẫn có mức điểm hạn chế so với doanh nghiệp niêm yết của các nước khác trong khu vực.
Đa phần các thành viên hội đồng bình chọn đều thống nhất đánh giá rằng, khủng hoảng dịch bệnh là một phép thử năng lực quản trị rủi ro của hội đồng quản trị các doanh nghiệp. Năm 2021, báo cáo thường niên của công ty có công bố khá tốt về cách thức quản lý các rủi ro quan trọng như tài chính, kế toán, kiểm soát nội bộ, vận hành, công nghệ thông tin, môi trường, xã hội và kinh tế.
Đối với hạng mục Báo cáo phát triển bền vững, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quốc tế về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển bền vững. Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong phát triển bền vững và để đạt được điều này, cần có vai trò định hướng và giám sát quan trọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp để đạt được các chuẩn mực ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Theo hội đồng bình chọn, trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ trong đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, đảm bảo việc làm, cũng như phúc lợi cho toàn bộ nhân viên, không giảm lương, không chậm trễ trả lương và đảm bảo có tiền thưởng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp triển khai các chương trình kết nối cộng đồng và hỗ trợ địa phương chống dịch.
Hầu hết các báo cáo đều đã chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một cách rõ rệt hơn. Các doanh nghiệp có cam kết rõ nét hơn về quản trị ESG được thể hiện qua bộ phận phụ trách phát triển bền vững riêng trực thuộc HĐQT hoặc tổng giám đốc, sự tham gia của các phòng, ban trong toàn bộ doanh nghiệp với trách nhiệm và kế hoạch hành động rõ ràng.
Bên cạnh các mặt tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp thiếu mô tả cụ thể quản trị rủi ro riêng về môi trường và xã hội. Đa số doanh nghiệp chưa nêu rõ quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo. Số liệu thiếu sự phân tích biến động giữa các kỳ hoặc so sánh với ngành.
Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp có báo cáo phân tích tác động của chuỗi giá trị, nhất là từ nhà cung cấp... hoặc lồng ghép các yếu tố phát triển bền vững vào bộ tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp, dẫn đến độ đầy đủ và tin cậy của báo cáo giảm.
Các doanh nghiệp chưa thể hiện được sự liên kết của chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tới hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng chưa có cơ chế khen thưởng gắn liền trực tiếp với các chỉ tiêu phát triển bền vững.
Tân binh cuối cùng của HoSE năm 2024 chính thức niêm yết
Doanh nghiệp dược lớn nhất Việt Nam chốt trả cổ tức 40% bằng tiền