VN-Index giảm 73 điểm, nhà đầu tư nên giao dịch thế nào?
Cú giảm 40 điểm phiên 25/9 khiến VN-Index đã "thủng" hỗ trợ EMA100 (ngưỡng 1.167 điểm). Lực cầu yếu không đủ hấp thụ lượng bán ra khiến khả năng thị trường hồi phục trong phiên tới đang khá mơ hồ.
Sắc đỏ bao trùm các bảng điện tử ngay phiên đầu tuần; VN-Index giảm thêm 40 điểm (-3,34%) về 1.153,2 điểm - mức thấp nhất từ nửa đầu tháng 7. Chỉ sau 3 phiên, chỉ số đại diện thị trường đã mất 73 điểm (-6%).
Hôm nay, toàn thị trường ghi nhận 900 cổ phiếu giảm giá trong đó có 170 mã giảm sàn. Tâm điểm bán sàn phiên này tập trung ở các nhóm bất động sản - xây dựng, chứng khoán, thép,...
Lực bán không còn quá mạnh như phiên liền trước song động thái "hút tiền về" của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tuần trước vẫn đang khiến dòng tiền tỏ ra thận trọng. Trong khi đó, thông tin một công ty chứng khoán đầu ngành thông báo hạ margin loạt cổ phiếu lớn trên thị trường đã kích hoạt làn sóng fomo bán tháo.
Trong những phiên tới, nhà đầu tư được khuyến nghị canh các nhịp hồi để hạ vị thế nắm giữ (đặc biệt tại các nhóm chứng khoán, bất động sản) đồng thời thận trọng mở các vị thế mua mới nhằm tránh rủi ro, nhất là khi VN-Index đã "thủng" hỗ trợ EMA100 trong phiên hôm nay (ngưỡng 1.167 điểm).
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) khuyến nghị nhà đầu tư chứng khoán cần bình tĩnh bởi việc Ngân hàng Nhà nước "hút tiền về" là một hoạt động bình thường trong bối cảnh nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại đang dư thừa. Động thái trên sẽ làm cho cung tiền trên thị trường giảm dần, giá trị đồng VND có thể tăng lên qua đó hạ nhiệt tỷ giá.
Trong ngắn hạn, thông tin trên phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư song sẽ không kéo dài. Mặt khác, khối ngoại đã trở lại mua ròng hơn 800 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên hôm nay (sau 5 phiên bán trước đó).
Xét trong trung hạn, xu hướng vĩ mô và thị trường chứng khoán vẫn tốt, việc hút thanh khoản giúp ổn định tỷ giá tạo môi trường phục hồi ổn định hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ xu hướng đi lên của thị trường.
Theo bà Đỗ Thu Hà từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chính sách tiền tệ trong nước thời điểm hiện tại vẫn giữ ở mức ổn định và chưa có các biện pháp thắt chặt bởi mục tiêu quan trọng của Việt Nam hiện tại là tăng trưởng kinh tế, để tăng trưởng thì chính sách tiền tệ phải được nới lỏng. Dù vấn đề lạm phát có sự phục hồi trong tháng 8 vừa qua song vẫn trong tầm kiểm soát.
Trong khi đó, xét về vấn đề tỷ giá, Chính phủ luôn có các giải pháp kịp thời để dung hòa với các thị trường mở thông qua hoạt động mua bán USD hay xuất nhấp khẩu (để gia tăng thặng dư thương mại).
"Trên góc độ kỹ thuật, thị trường chứng khoán hiện đang trong giai đoạn Sideway nên biến động hiện tại chỉ mang tính tâm lý. Thị trường điều chỉnh là cơ hội để mua vào với các cổ phiếu tăng trưởng, các cổ phiếu đã chiết khấu mạnh hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi lợi nhuận", bà Hà nhận định.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân với tỷ trọng nhỏ (mua thăm dò) đối với những cổ phiếu tăng trưởng; hạn chế fomo và sử dụng đòn bẩy margin.
Xem thêm: Cổ đông đua lệnh nhóm chứng khoán phiên 20 - 21/9 nhận trái đắng khi "hàng về"