VN-Index và ám ảnh kháng cự 1.250 điểm?
Nhịp bứt phá của nhóm cổ phiếu họ "Vin" có phải tín hiệu cho thấy thị trường đang ở cuối sóng tăng ngắn hạn? Kháng cự 1.250 điểm tới đây có đáng lo?
Kết phiên giao dịch ngày 20/2, VN-Index tăng thêm 5 điểm, quay trở lại mốc 1.230 sau tròn 5 tháng. Đây đã là phiên tăng thứ 7 của thị trường (+58 điểm).
Trong cùng thời điểm, chuỗi 7 phiên tăng (dài nhất từ khi niêm yết) cũng giúp cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng 15,2% lên 48.500 đồng/cp - cao nhất 5 tháng.
>> Tiền lớn trở lại VIC, gần 23 triệu cổ phiếu họ Vin được khối ngoại mua ròng
Có thể thấy, sau nhóm ngân hàng, đến lượt bộ ba cổ phiếu Vingroup trở thành yếu tố chính giúp thị trường lên điểm. Tuy nhiên, chuỗi tăng gần 9 tuần qua bắt đầu đem đến cho nhà đầu tư những lo ngại và nghi ngờ.
Nỗi sợ VN-Index giảm 200 điểm như giai đoạn từ nửa sau tháng 9 đến cuối tháng 10/2023 có lặp lại? Liệu nhịp bứt phá của nhóm cổ phiếu họ "Vin" có phải là tín hiệu cho thấy thị trường đang ở cuối sóng tăng ngắn hạn? Kháng cự 1.250 điểm tới đây có đáng lo?
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, theo bà Đỗ Thu Hà - Chuyên gia tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nếu thị trường xác định sóng tăng hoặc xu hướng tăng dựa trên kỳ vọng vĩ mô tích cực thì các mức kháng cự có thể sẽ lần lượt bị phá vỡ; kháng cự sinh ra trong trường hợp này chỉ để chinh phục.
Có thể hình dung tương tự giai đoạn 2021, khi thị trường chứng khoán hình thành xu hướng tăng, các mốc kháng cự mạnh đều khuất phục trước đà lao dốc của VN-Index. Thời điểm đó, tâm lý nhà đầu tư dù có lưỡng lự trước các vùng kháng cự song họ sợ mất cơ hội nhiều hơn. Vì thế, các mốc kháng cự kiến lập trước đó đều bị vượt qua dễ dàng.
Các mốc kháng cự chỉ khiến cho thị trường đảo chiều trong trường hợp ở thời điểm đó có sự thay đổi về vĩ mô. Như giai đoạn tháng 10/2023, khi Ngân hàng Nhà nước (SBV) phát hành tín phiếu nhằm mục tiêu kiểm soát tỷ giá, đồng thời thị trường xuất hiện 2 đỉnh, khi đó chính sách thay đổi khiến VN-Index đảo chiều giảm sâu hơn 200 điểm.
Như vậy, điểm mấu chốt ở đây không phải là các mốc kháng cự mà là xu hướng thị trường và vĩ mô giai đoạn đó như thế nào.
Theo bà Hà, hiện thị trường đang hình thành xu hướng tăng dựa trên nền tảng là kinh tế hồi phục, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và chưa xuất hiện các biến số vĩ mô. Dòng tiền có xu hướng luân chuyển giữa các nhóm ngành, chưa xuất hiện tín hiệu bán chiếm ưu thế. Thanh khoản giao dịch trung bình phiên đạt 18.000 -20.000 tỷ đồng.
Dù bắt đầu xuất hiện tâm lý lo lắng về cao điểm 1.250 sắp tới song chiếu theo những yếu tố kể trên, kháng cự này không đáng lo ngại.
Trên góc nhìn kỹ thuật, nhịp tăng nối dài lên gần sát vùng đỉnh cũ giữa tháng 9/2023 đi kèm nến đóng cửa Hanging Man trong chu kỳ sóng tăng, thể hiện tín hiệu thị trường dần suy yếu.
Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX vận động ở vùng tích cực, với RSI ở ngưỡng 80 cho thấy sức mạnh vị thế gần đi vào giới hạn tăng trưởng. Qua đó, chỉ số VN-Index có thể tạm chững lại đà tăng và dự kiến dao động trong phạm vi 1.220-1.232.
>> Tồn kho 'this' - tồn kho 'that': Góc nhìn từ Vinhomes và Novaland