VNDirect (VND) báo lãi 'hụt hơi' trong quý II, dư nợ cho vay margin vượt mốc 10.000 tỷ đồng
Chứng khoán VNDirect (VND) báo lãi sau thuế giảm 18% do ghi nhận chi phí hoạt động tăng cao trong quý II/2024.
CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý II và 6 tháng đầu năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Doanh thu hoạt động của công ty đạt 1.458 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL mang về 809,7 tỷ đồng, giảm 14,6% so với quý II/2023.
Doanh thu từ hoạt động môi giới cũng giảm 21 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,3% về mức 182,2 tỷ đồng. Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2024 diễn ra vừa qua, ban lãnh đạo VNDirect cho biết công ty không chạy theo cuộc đua về cạnh tranh về phí mà tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút và giữ chân khách hàng. Công ty tập trung ưu tiên phát triển đội ngũ môi giới về chất lượng hơn số lượng. Đồng thời, VND chấp nhận khả năng rủi ro là thu hẹp thị phần cũng không hy sinh lợi nhuận.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quý II doanh thu mảng môi giới của công ty đã sụt giảm đáng kể, thấp nhất trong vòng 4 quý trở lại đây mặc dù thị phần môi giới trên HoSE của công ty trong tăng nhẹ từ 6,01% trong quý I lên mức 6,46% trong quý này.
Dù vậy, hoạt động cho vay margin cũng mang về kết quả khả quan cho VNDirect với khoản thu mang về đạt 299,3 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Ngược chiều, chi phí hoạt động của công ty chứng khoán đạt 803,1 tỷ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ. Trong đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL tăng 141,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 35,5% lên mức 537,9 tỷ đồng.
Trừ đi các khoản chi phí khác, VND báo lãi sau thuế đạt 344,9 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng lãi gần 962 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ.
VNDiect ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 8,1% so với cùng kỳ |
Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của VND đạt 45.153 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm. Trong số này, các tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 21.114 tỷ đồng, tăng 26,2% so với đầu năm.
Trong đó bao gồm 8.600 tỷ đồng cho đầu tư trái phiếu chưa niêm yết, 7.390 tỷ đồng đầu tư chứng chỉ tiền gửi, còn lại là đầu tư cổ phiếu và trái phiếu niêm yết với các mã nổi bật như VPB, HSG, ACB…
Dư nợ cho vay margin của công ty chứng khoán tăng 10,3% so với đầu năm, ghi nhận ở mức 10.936 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, công ty chứng khoán ghi nhận tổng nợ phải trả ở mức 27.869 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm. Trong con số này, nợ vay ngắn hạn ghi nhận đạt 21.945 tỷ đồng, tăng 7% với Vietcombank (VCB) là chủ nợ lớn nhất với 6.874 tỷ đồng, tiếp đến là BID (3.616 tỷ đồng) và CTG (3.450 tỷ đồng).
Đáng chú ý, tiền gửi khách hàng tại cuối quý II đạt 5.953 tỷ đồng, tăng 168 tỷ đồng tương ứng với mức tăng gần 3% so với cuối tháng 3. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với 6.367 tỷ đồng vào đầu năm trước khi công ty gặp sự cố bị hacker tấn công hệ thống.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Chủ tịch Phạm Minh Hương cho biết: “Ở mảng khách hàng giao dịch, chúng tôi bị mất khá nhiều khách hàng”. Người đứng đầu công ty cho biết việc VNDirect bị tấn công là một điều không may nhưng cũng là một điều may mắn bởi đây là tiếng chuông chánh niệm về tập trung nguồn lực đầu tư.
Bamboo Capital (BCG) khởi công nhà máy đốt rác phát điện 20.400 tỷ đồng tại TP. HCM
Thêm một công ty chứng khoán báo lãi tăng gần 140%, ‘ăn đậm’ từ mảng tự doanh