Vô lý giá vàng: Thế giới giảm, NHNN đấu thầu tăng cung, giá vàng SJC vẫn tăng vọt
Giá vàng thế giới giảm khá nhanh, cùng thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để cung ứng cho thị trường, nhưng nghịch lý là giá vàng miếng SJC càng tăng và lập kỷ lục mới.
Lập kỷ lục mới
Trong phiên giao dịch ngày 3/5,giá vàng miếng SJC bất ngờ ngược chiều với thế giới và tăng mạnh lên đỉnh cao lịch sử mới 85,8 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng thêm 700 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên 2/5 và cao hơn so với đỉnh 85,5 triệu đồng/lượng lập hôm 15/4.
Đây là kỷ lục mới của giá vàng miếng SJC, bỏ xa đỉnh lịch sử 80,3 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi cuối năm 2023. Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng miếng SJC tăng thêm 11,8 triệu đồng/lượng, tương đương tăng hơn 15,9%.
Giá vàng miếng SJC tăng ngược dòng so với thế giới. Trong 24 giờ qua, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới giảm gần 10 USD/ounce. Tính từ đầu tháng 5, giá vàng quốc tế giảm gần 30 USD/ounce. Còn so với đỉnh ghi nhận hôm 12/4, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế giảm khoảng 130 USD/ounce, tương đương khoảng 5,3%.
Thị trường vàng trong nước ghi nhận một nghịch lý là tăng mạnh khi giá thế giới giảm và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu để cung ứng thêm vàng ra thị trường. Thủ tướng Chính phủ liên tục đốc thúc thanh tra, giám sát và ổn định thị trường vàng.
Sáng 3/5, NHNN thực hiện phiên đấu thầu vàng thứ 4 với khối lượng chào thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Giá tham chiếu để tính đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng, tương đương với mức các doanh nghiệp kinh doanh vàng mua vào vào cuối giờ chiều 2/5.
Phiên đấu thầu vàng này lại bị huỷ do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Hôm 25/4, NHNN cũng đã huỷ phiên đấu thầu do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Đến nay, mới chỉ một phiên đấu thầu hôm 23/4 có 2 thành viên trúng thầu, tổng 3.400 lượng được NHNN bán ra.
Ngày 3/5, Chính phủ công bố Chỉ thị số 14, trong đó Thủ tướng chỉ đạo NHNN, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng, găm hàng đẩy giá vàng.
Trước đó, Thủ tướng đã có hàng loạt chỉ đạo ổn định thị trường vàng, giảm chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới.
Vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới quy đổi (bao gồm cả thuế và phí) lên tới 18-20 triệu đồng/lượng. Chênh lệch sau đó đã được rút về mức 11-12 triệu đồng/lượng trong tuần thứ 3 của tháng 4 trước khi diễn ra phiên đấu thầu vàng lần đầu tiên.
Tuy nhiên, chênh lệch với thế giới đã tăng trở lại, tới cuối giờ chiều ngày 3/5 mức chênh lên tới gần 14,6 triệu đồng/lượng.
Nghịch lý đến từ đâu?
Giá vàng miếng SJC tăng nhanh trở lại và lên đỉnh cao lịch sử mới, đồng thời kéo chênh lệch với thế giới quy đổi lên cao, diễn ra trong bối cảnh nguồn cung vàng miếng trong nước vẫn ở mức thấp. NHNN mới chỉ đấu thầu bán ra thành công trong một phiên với lượng bán ra khiêm tốn, chỉ 3.400 lượng.
Nguyên nhân các phiên đấu giá phần lớn không thành công được nhiều chuyên gia cũng như giới quan sát cho rằng do giá tham chiếu còn cao và doanh nghiệp kinh doanh vàng không mặn mà.
Như trong phiên 3/5, giá vàng tham chiếu được NHNN đưa ra ở mức 82,9 triệu đồng/lượng, tương đương với mức các doanh nghiệp kinh doanh vàng mua vào cuối giờ chiều 2/5. Trong khi đó, lượng vàng yêu cầu đặt mua tối thiểu lên tới 1.400 lượng, tương đương một lượng tiền lớn, khoảng 120 tỷ đồng.
Thị trường vàng thế giới gần đây biến động mạnh và theo hướng điều chỉnh giảm sau một đợt tăng mạnh, hơn 20% trong hơn 2 tháng trước đó. Mức điều chỉnh giảm hơn 5% có thể chưa đủ và được đánh giá là có thể giảm tiếp trước khi tăng trở lại.
Đây có thể là yếu tố khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng thận trọng khi tham gia vào các phiên đấu thầu. Chỉ cần thế giới giảm nhẹ, các doanh nghiệp có thể đã thua lỗ khi tham gia đấu thầu. Hơn thế, việc mua vàng qua đấu thầu từ NHNN là mua buôn, khối lượng vàng rất lớn.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể mua lẻ từ người dân với mức giá tương tự.
Về phía NHNN, việc cung ứng vàng ra thị trường vào thời điểm này với mức giá thấp không hề dễ dàng khi nguồn vàng dự trữ rất thấp. Theo ước tính của CEIC Data thuộc Công ty Euromoney Institutional Investor, lượng vàng dự trữ chỉ khoảng 10 tấn. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng không dồi dào, chỉ khoảng trên dưới 100 tỷ USD trong khi tỷ giá USD/VND leo thang liên tục trong hơn 4 tháng đầu năm.
Trong khi doanh nghiệp kinh doanh vàng thận trọng chưa tham gia tích cực vào các phiên đấu thầu, nhu cầu mua vàng từ người dân có dấu hiệu gia tăng trở lại. Tại các đơn vị kinh doanh vàng, tình trạng người đến mua đã đông đúc hơn. Số lượng người mua vàng tại Bảo Tín Minh Châu theo công bố của DN này hôm 3/5 là 55%, trong khi người đến bán là 45%.
Người dân có dấu hiệu tăng cường mua vàng khi họ bớt thận trọng với khả năng giá vàng miếng SJC giảm mạnh theo một kịch bản giảm sâu trên thế giới và chênh lệch với vàng thế giới được kéo xuống thấp hơn nếu NHNN bán một lượng vàng lớn ra thị trường qua đấu thầu.
Trong năm 2013, NHNN đã liên tục tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng và tổng cộng bán gần 70 tấn vàng, qua đó cũng ổn định tương đối thị trường. Sau vài tháng đấu giá, giá vàng từ mức 43 triệu đồng/lượng, đã có lúc về 36 triệu đồng/lượng (tương đương giảm 23%).
Tuy nhiên, tình hình năm nay đã khác nhiều. Tỷ giá tăng mạnh. Trong 4 phiên đấu thầu vừa qua, NHNN đã hủy 3 phiên và mới chỉ bán được 3.400 lượng, tương đương chưa tới 0,13 tấn.
Giá vàng miếng SJC tăng còn do giá vàng thế giới được dự báo có thể điều chỉnh giảm trong ngắn hạn 1-2 tháng tới nhưng sẽ tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm 2024 và có thể các năm sau đó.
Nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ lên mức 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay. Đa số các chuyên gia vẫn dự báo vàng đang trong xu hướng uptrend trong dài hạn, thậm chí có thể lên 3.000 USD/ounce trong năm sau và 10.000 USD/ounce trong vài năm tới (tương đương 308 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá 25.458 đồng/USD tại Vietcombank hôm 3/5).
Hôm 1/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất lần thứ 6 liên tiếp ở mức 5,25% đến 5,5%. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Mỹ bác bỏ khả năng nâng lãi suất.
Giới chuyên gia dự báo, Fed có thể quay đầu giảm lãi suất từ tháng 9 và sớm nhất có thể là tháng 7. Như vậy, đồng USD có thể sẽ treo ở mức cao trong vài tháng nữa, trước khi chịu áp lực giảm theo chính sách tiền tệ nới lỏng. Vàng khi đó sẽ được hỗ trợ tích cực.
Vàng vừa "kill short, diệt long": Giá vàng sẽ biến động ra sao trong tuần tới?
Vàng vừa "kill short, diệt long": Giá vàng sẽ biến động ra sao trong tuần tới?
Giá vàng tăng giảm trái chiều trước phiên đấu thầu hôm nay (3/5)