Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ: Cả nhà 4 người, chỉ mình con nhỏ sống sót
Các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, rất xót xa khi nhắc đến hoàn cảnh của một bệnh nhi, người duy nhất trong gia đình còn sống sót sau vụ thảm họa cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân).
Ngày 13/9, thông tin về các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết trong 7 bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế này, 4 người bị thương nhẹ đã được xuất viện. Trong số đó có một bệnh nhi, người duy nhất trong gia đình 4 người, còn sống sót. Bé đã được một người họ hàng đến đón ra viện sáng nay để về nhận mặt bố mẹ.
Xúc động khi chia sẻ về trường hợp này, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ hoàn cảnh của bé rất đáng thương, xót xa. Một bác sĩ khác cũng nhận định dù may mắn sống sót sau vụ cháy kinh hoàng nhưng ông lo lắng cho tinh thần cháu bé sau cú sốc lớn do mất người thân.
Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận một trường hợp tử vong ngoại viện là nam, 26 tuổi, quê Hải Dương, vào viện lúc 4h30 phút. Bác sĩ nhận định bệnh nhân tử vong nhiều khả năng do ngạt, trên người có nhiều vết bỏng. Một bệnh nhân đa chấn thương đã được phẫu thuật, do ngã vỡ tủy sống, nghi ngờ đốt sống cổ bị ảnh hưởng.
May mắn hơn các nạn nhân trên, chị V.K.C (28 tuổi, đang thuê nhà tại tầng 8 của chung cư) chia sẻ gia đình gồm 4 người, hai vợ chồng và 2 người con. Giữa đêm 12/9, chị nghe tiếng báo cháy nên chạy ra cửa, thấy cảnh nhốn nháo.
Vợ chồng chị cùng chạy xuống tầng 1 thì phát hiện cháy lớn, đông người, tắc nghẽn nên không thoát ra được. Anh chị đành quay ngược lên nhà mình, lúc này, họ thất lạc nhau, gọi lớn tiếng nhưng không thành vì đám đông quá hỗn độn.
May mắn, sau đó họ cùng về đến nhà, vợ chồng chị đưa các con và thêm vài người hàng xóm cùng vào phòng, đóng kín cửa. Tuy nhiên, vài phút sau, khói bắt đầu len lỏi vào trong nhà chị. Gia đình chị chui vào trong tủ quần áo trốn khói, vừa gọi cứu hộ qua điện thoại.
“Cứu hộ bảo đi ra hành lang ngay đi”, chị kể lại. Sau khi ra khỏi nhà, gia đình chị và nhiều người được cứu.
Hiện tại, chị C. hiện tỉnh táo, được xếp nằm ở phòng riêng trong khoa và được thở oxy liều thấp nhưng vẻ mặt rất mệt mỏi vì chưa hết bàng hoàng.
Bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, cho biết bệnh nhân đã được làm xét nghiệm khí CO trong máu, nếu khí CO tăng, bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân đến trung tâm cao áp để thở oxy. Nếu tình hình thuận lợi, bệnh nhân sẽ được ra viện trong hôm nay hoặc ngày mai.
Theo bác sĩ Hà, khí CO ngoài gây tổn thương trực tiếp còn có thể gây tổn thương não về sau. Vì thế, các bác sĩ sẽ lưu ý theo dõi, đánh giá bệnh nhân trước khi ra viện để tránh tình huống bệnh nhân ảnh hưởng trí nhớ sau khi xuất viện.
Bác sĩ Hà cho biết nạn nhân nhập viện cấp cứu trong các vụ cháy thường do 3 nguyên nhân:
- Ngạt khói, khí
- Nhiệt độ cao gây bỏng
- Chấn thương vì nhảy hoặc ngã từ trên cao hoặc va đập trong quá trình chạy thoát khỏi đám cháy.
Đặc biệt, việc ngạt khói có thể gây tử vong do nạn nhân thiếu oxy tại chỗ, ngộ độc khí CO.
“Trong đám cháy ít nhất phải phủ khăn ướt lên mũi, miệng để tránh khói, nhưng khăn ướt không ngăn được ngộ độc khí CO. Vì thế, trong đám cháy ở trong phòng kín, dù có khăn ướt bệnh nhân vẫn có thể bị ngộ độc do khí CO”, bác sĩ Hà khuyến cáo.