Vụ nổ có âm thanh lớn nhất lịch sử làm rung chuyển cả thế giới, mạnh gấp 10.000 sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima

19-03-2024 17:27|Quỳnh Châu

Người ta có thể nghe thấy rõ âm thanh khoảng cách 5.000km từ khắp mọi nơi trên thế giới, theo Science Alert.

Vào ngày 27/8/1883, âm thanh lớn nhất trong lịch sử nhân loại được ghi nhận trên Trái Đất. Âm thanh đó phát ra từ đảo Krakatoa, nằm giữa hai đảo Java và Sumatra ở Indonesia. Âm thanh này có thể nghe rõ trong vòng gần 5.000km ở nhiều vị trí địa lý.

Cụ thể, thời điểm đó, người dân ở New Guinea và Tây Úc cách Krakatoa khoảng 3.200km, đã nghe thấy một loạt tiếng nổ ồn ào, giống như tiếng đạn pháo. Những người ở cách 4.800km trên đảo Rodrigues ở Ấn Độ Dương thì nói nghe thấy âm thanh giống như tiếng súng máy hạng nặng.

Vụ nổ có âm thanh lớn nhất lịch sử làm rung chuyển cả thế giới, mạnh gấp 10.000 sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima
Tranh vẽ ngọn núi lửa Krakatau

Nguyên nhân được xác định là do một vụ phun trào núi lửa lớn chưa từng thấy, tạo ra cột khói bốc lên cao trên gần 80km, tro bụi rơi xuống biển cách 20km. Các mảnh đá nóng cháy bắn ra từ miệng núi lửa Krakatoa với vận tốc lên tới 2.575km/giờ, gấp đôi vận tốc âm thanh.

Với chỉ số phun trào núi lửa ở mức độ 6, sức mạnh của các vụ nổ trong thảm họa núi lửa Krakatau phun trào được cho tương đương với 200 megaton thuốc nổ TNT và gấp 10.000 sức công phá của quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima. Vụ phun trào đã đẩy bật cả những rạn san hô khổng lồ nặng hàng trăm tấn lên bờ biển. Đồng thời, nó đã bắn ra 25km3 đá, tro và đá bọt cao tới 27km lên khí quyển đủ để làm hạ nhiệt độ toàn cầu xuống hơn 1 độ trong vòng một năm sau đó.

Vụ nổ có âm thanh lớn nhất lịch sử làm rung chuyển cả thế giới, mạnh gấp 10.000 sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima
Cột tro bụi kéo dài đến 27km trong thảm họa Krakatoa năm 1883. Ảnh minh họa

Vụ phun trào núi lửa tại Krakatoa đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 36.417 người, phá hủy toàn bộ 165 ngôi làng và thành phố gần đó, làm 132 ngôi làng khác bị tàn phá nghiêm trọng. Qua đó, biến nó trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất của thế kỷ XIX.

Không chỉ vậy, vụ nổ còn ảnh hưởng tới thời tiết trên khắp toàn cầu trong nhiều năm sau, chưa kể còn đẩy các khu vực lân cận vào bóng tối trong nhiều ngày. Sau khi núi lửa phun trào, khu vực gần Krakatau bị bao trùm trong bóng tối kỳ lạ, khi bụi và các hạt thổi vào bầu khí quyển đã chặn ánh sáng mặt trời và khi những cơn gió ở tầng cao mang bụi bay đi rất xa, những người ở bên kia thế giới bắt đầu nhận thấy hiệu ứng.

Khi đó, đám mây tro bụi này đã bay dạt quanh Trái Đất khiến cho những cảnh tượng hoàng hôn màu xanh được quan sát ở khắp thế giới trong 3 năm tiếp theo. Nhiều tháng sau thảm họa sóng thần do núi lửa Krakatau, những khoanh đá bọt khổng lồ, những thân cây bết đầy tro bụi và nhiều loại rác thải khác đã dạt vào bờ biển tận Mauritius và Australia.

Các bài báo của Mỹ cuối năm 1883 và đầu năm 1884 đã suy đoán về nguyên nhân của hiện tượng hoàng hôn “đỏ như máu” trên diện rộng. Nhưng các nhà khoa học ngày nay biết chắc chắn rằng bụi từ núi lửa Krakatau thổi vào bầu khí quyển cao là nguyên nhân gây ra.

Các sóng địa chấn từ vụ phun trào đã lan truyền khắp thế giới, gây ra một cơn sóng thần cao trên 45m đánh mạnh vào bờ của hai đảo Java và Sumatra. Trận sóng thần tàn phá hoàn toàn vùng duyên hải ở khu vực. Ở tận xa nơi vùng biển Nam Phi, các tàu thuyền thì bị rung chuyển bởi một trận sóng thần khác.

Vụ nổ có âm thanh lớn nhất lịch sử làm rung chuyển cả thế giới, mạnh gấp 10.000 sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima
Vụ phun trào núi lửa Krakatoa năm 1883 gây ra những thiệt hại nặng nề

Đáng chú ý là khu vực cách đảo Krakatoa dưới 100km cảm nhận rõ về sức mạnh của vụ phun trào. Lúc bấy giờ, tàu Norham Castle của Anh đang hoạt động cách đảo Krakatoa chỉ khoảng 64km.

Thuyền trường của con tàu này đã viết trong nhật ký hành trình rằng: "Một tiếng nổ đáng sợ, âm thanh thật khủng khiếp. Tôi đang viết trong bóng tối và tiếng nổ dữ đội đến mức làm phá hỏng màng nhĩ của hơn nửa thủy thủ đoàn. Suy nghĩ cuối cùng của tôi lúc đó là về người vợ yêu quý. Tôi tin chắc rằng ngày tận thế đã đến".

Hầu hết những câu chuyện chia sẻ về vụ phun trào núi lửa năm 1883 đều đến từ những người ở xa, bởi không ai ở gần đó có thể sống sót. Các chuyên gia cho biết, sức mạnh của vụ phun trào núi lửa ở đảo Krakatoa lớn gấp 10.000 lần bom nguyên tử từng thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945.

“Vụ nổ ở núi lửa Krakatau được đo là 172 decibel dù ở khoảng cách 160km so với nguồn phát. Đây là âm thanh lớn kinh ngạc, nó phá vỡ mọi giới hạn mà chúng ta biết về âm thanh”, nhà khoa học Aatish Bhatia viết.

Sóng địa chấn cũng được phát hiện qua các thiết bị đặt tại Paris và Washington D.C.

Vào thế kỉ XX, nham thạch của núi lửa này đã cho ra đời một hòn đảo mới, Anak Krakatau hay “Đứa con của Krakatau” có bán kính gần 2km và cao hơn 200m so với mực nước biển. Trong khi đó, đảo Krakatau “cha” có bán kính 9km và cao hơn 800m so với mực nước biển. “Đứa con của Krakatau” là miền đất hứa của nhiều nhà khoa học.

Hiện nay, quần đảo vẫn đón nhận một hệ sinh thái đa dạng, với hàng trăm loài động, thực vật khác nhau, phần lớn là nhờ khí hậu nhiệt đới. Quần đảo thuộc vườn quốc gia Ujung Kulon, được xem là di sản văn hóa thế giới do UNESCO xếp hạng.

>> Đánh sập 19 tòa nhà chỉ trong 10 giây, 5 tấn thuốc nổ đặt ở 120.000 địa điểm rải rác trong khu vực

Vụ nổ tàu lớn nhất lịch sử có sức công phá tương đương 3.000 tấn thuốc nổ: 7.000 người thương vong, gần như san phẳng toàn bộ thành phố

Phá dỡ tòa nhà bằng hơn 2.000kg thuốc nổ, mái vòm nặng 25.000 tấn đổ sập trong chưa đầy 20 giây, kỷ lục Guinness được xác lập

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-no-co-am-thanh-lon-nhat-lich-su-lam-rung-chuyen-ca-the-gioi-manh-gap-10000-suc-cong-pha-cua-qua-bom-nguyen-tu-nem-xuong-hiroshima-226896.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vụ nổ có âm thanh lớn nhất lịch sử làm rung chuyển cả thế giới, mạnh gấp 10.000 sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima
    POWERED BY ONECMS & INTECH