Vướng giải phóng mặt bằng, Kho bạc Nhà nước giải ngân được 1/3 vốn đầu tư công
6 tháng đầu năm 2024, Kho bạc Nhà nước chi đầu tư công nguồn NSNN là 185.767,5 tỷ đồng, bằng 27,8% kế hoạch được giao năm 2024. Nhìn nhận thẳng thắn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa được như kỳ vọng, đại diện KBNN cho biết, một phần nguyên nhân đến từ việc triển khai các dự án còn chậm, gặp nhiều vướng mắc với khâu giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến việc giải ngân.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa cao
Chiều nay 18/7, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức họp báo công bố kết quả công tác trọng tâm 6 tháng đầu năm 2024. Tại đây, Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ cho biết, từ đầu năm đến hết ngày 30/6/2024, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.027.173 tỷ đồng, bằng 60,39% dự toán năm 2024. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 150.972 tỷ đồng về giá trị, tăng 6,33% về tỷ lệ thực hiện.
Các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan nhằm hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin, số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đồng thời, mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM), góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.
Đối với chi thường xuyên, 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 484.035 tỷ đồng, bằng 38,1% dự toán chi thường xuyên năm 2024 của NSNN qua KBNN. So với cùng kỳ năm 2023, số chi này cao hơn 28.135 tỷ đồng về giá trị, thấp hơn 0,4% về tỷ lệ so với dự toán.
Về chi đầu tư công nguồn NSNN, trong 6 tháng đầu năm, lũy kế thanh toán là 185.767,5 tỷ đồng, bằng 27,8% kế hoạch được giao năm 2024. Lũy kế thanh toán vốn đầu tư kéo dài năm trước chuyển sang năm 2024 đến hết tháng 6 qua hệ thống KBNN là 8.558,7 tỷ đồng trên tổng số 52.546,3 tỷ đồng, bằng 16,3% kế hoạch vốn năm trước chuyển sang năm 2024 được xác nhận chuyển nguồn qua hệ thống KBNN.
Nhìn nhận thẳng thắn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa được như kỳ vọng, đại diện KBNN cho biết, một phần nguyên nhân đến từ việc triển khai các dự án còn chậm. Trong quá trình triển khai, các dự án gặp nhiều vướng mắc với khâu giải phóng mặt bằng. Đây là nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến việc giải ngân.
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN đã có văn bản gửi các đơn vị, hỗ trợ các nhà đầu tư không cần đến trực tiếp KBNN, mà vẫn có thể giải ngân qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
“Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng giải ngân ngay. KBNN có hệ thống giám sát giao dịch đảm bảo không chậm, muộn việc xử lý hồ sơ tại các cơ sở”, đại diện KBNN khẳng định.
Phát hành hơn 150.000 tỷ đồng TPCP
Trong 6 tháng đầu năm 2024, KBNN đã tổ chức phát hành 156.502 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt 39% kế hoạch năm 2024 (400.000 tỷ đồng), trong đó 100% TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu, kỳ hạn TPCP từ 5 - 30 năm. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 10,89 năm, phù hợp với mục tiêu 9 - 11 năm. Qua đó, duy trì thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP ở mức trên 9 năm (9,03 năm), góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững.
Lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 2,33%/năm, thấp hơn mức 3,21%/năm trong năm 2023, giảm chi phí vay vốn của NSNN, phù hợp với diễn biến thị trường và công tác điều hành chính sách chính sách tiền tệ của NHNN.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, KBNN tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. Trong đó, trọng tâm là các nhiệm vụ hoàn thiện Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng CNTT có liên quan, hình thành hệ thống quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); Nghiên cứu, thiết kế dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN, tiến tới thay thế lưu trữ giấy truyền thống hiện nay bằng lưu trữ kế toán điện tử, giúp giảm chi phí hoạt động của KBNN, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của KBNN, tăng khả năng chia sẻ dữ liệu; Nâng cấp các hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu liên thông nghiệp vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản, sẵn sàng thí điểm và triển khai diện rộng trong 6 tháng cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, KBNN cũng triển khai thí điểm hệ thống quản lý văn bản điều hành tập trung, liên thông văn bản điện tử với các bộ, ban, ngành; Thí điểm quy trình về kiểm soát, thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản và trao đổi thông tin Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trên cổng trao đổi dữ liệu; Tiếp tục mở rộng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách qua Vietinbank, nghiên cứu mở rộng triển khai thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông với các NHTM khác đủ điều kiện.
KBNN cũng tiếp tục vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia vận hành DVCTT; lượng hồ sơ chứng từ chi ngân sách nhà nước thanh toán qua hệ thống DVCTT đạt tỷ lệ trên 95%, đáp ứng thanh toán kịp thời các khoản chi NSNN tới các đối tượng thụ hưởng, các khoản chi an sinh xã hội, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, nửa đầu năm 2024, hệ thống KBNN đã triển khai thực hiện 119/226 cuộc thanh tra chuyên ngành, đạt 52,65% so với kế hoạch. Qua đó, phát hiện tổng số tiền vi phạm là 868,9 triệu đồng, số tiền kiến nghị thu hồi là 716,5 triệu đồng, số tiền kiến nghị xử lý khác 152,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, KBNN đã ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 65,1 triệu đồng.
>> Kho bạc Nhà nước gọi thầu 140.500 tỷ đồng trong quý II/2024