Vĩ mô

Đẩy mạnh đầu tư công: ‘Không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là dự án trọng điểm’

Khúc Văn 16/07/2024 - 15:42

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ, sáng ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ nay tới cuối năm sẽ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến ngày 10/7, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 8,2 nghìn tỷ đồng của 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương; vốn ngân sách địa phương là 21,7 nghìn tỷ đồng của 23/63 địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký báo cáo giải trình ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.

Có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Trong đó một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao là: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Đài Truyền hình Việt Nam; Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các địa phương: Nam Định; Thanh Hóa; Lào Cai; Phú Thọ; Bà Rịa Vũng Tàu; Tiền Giang.

Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt 78,23% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 35,43%, cao hơn trung bình của cả nước (29,39%), cải thiện đáng kể so 6 tháng đầu năm 2023 (28,23%).

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 6 tháng đầu năm đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%). Số lượng Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao (33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương). Một số Bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp .

Tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn thấp, đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước là 29,39%.

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cả nước phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Dự án 500 kV mạch 3 được lấy làm hình mẫu điển hình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án.

Cụ thể là các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; phân công cán bộ bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, phấn đấu khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương hằng năm; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phòng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án.

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng; tính toán đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, để ưu tiên thực hiện trước.

“Cần tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương của nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đã đủ điều kiện, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, đường liên vùng, đường ven biển”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay tới cuối năm cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất… phục vụ các dự án, bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi cấu kết giữa các chủ mỏ vật liệu để tạo khan hiếm giả, nâng giá; thực hiện các thủ tục thanh toán trong thời hạn 5 ngày làm việc và khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công

Đề xuất nguyên tắc, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/day-manh-dau-tu-cong-khong-de-tinh-trang-du-an-cho-mat-bang-dac-biet-la-du-an-trong-diem-242121.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đẩy mạnh đầu tư công: ‘Không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là dự án trọng điểm’
POWERED BY ONECMS & INTECH