Vướng vụ kiện tập thể, hãng xe Porsche phải lên hầu toà với nguy cơ mất 80 triệu USD

11-11-2022 11:12|Quốc Anh

Mới đây, thẩm phán Mỹ đã phê chuẩn thỏa thuận trị giá 80 triệu USD dàn xếp vụ kiện tập thể đối với hãng xe Volkswagen (VW) và công ty con Porsche, trong đó các nguyên đơn kiện tình trạng sai dữ liệu về tiết kiệm nhiên liệu và phát thải.

Porsche vướng vào vụ kiện tập thể trị giá 80 triệu USD

Hồ sơ giải quyết vụ án gian lận khí thải của Porsche tại quận San Francisco, California, Mỹ cho biết Porsche đã chấp nhận mức thoả thuận 80 triệu đô. Vụ án này có liên quan đến dữ liệu tiết kiệm nhiên liệu trên 500.000 mẫu xe của Porsche.

Người được hưởng lợi từ vụ kiện này bao gồm các chủ sở hữu xe Porsche từ trước đến nay, thậm chí ngay cả với người thuê một chiếc Porsche trong thời gian gần đây cũng có thể được hưởng chi phí bồi thường. Tuy nhiên, Porsche cho biết việc chi trả cho vụ kiện này của họ không đồng nghĩa với việc thừa nhận sản phẩm của họ có vấn đề.

Nội dung vụ kiện cho rằng Porsche đã can thiệp vào kết quả kiểm tra khí thải trên chế độ lái Sport+, khiến cho những số liệu này đạt chuẩn, trong khi thực tế lượng phát thải lớn hơn mức được quy định. Thêm vào đó, lượng tiêu thụ nhiên liệu thực tế khi sử dụng chế độ Sport+ cũng kém hơn nhiều so với dữ liệu mà Porsche công bố.

23.jpg

Mới đây, thẩm phán Mỹ Charles Breyer đã phê chuẩn thỏa thuận trị giá ít nhất 80 triệu USD và chi phí cho vụ kiện này là 24,5 triệu USD.

Theo thỏa thuận, các chủ xe đủ điều kiện sẽ được nhận từ 250 - 1.109 USD/xe. Vụ kiện liên quan đến các mẫu xe Porsche sản xuất từ năm 2005 - 2020.

Porsche cho biết hãng đã “nỗ lực tìm một giải pháp và đảm bảo khách hàng được đền bù thỏa đáng”. Công ty cũng cam kết “cung cấp cho khách hàng dữ liệu minh bạch về khí thải và tiết kiệm nhiên liệu”.

Bê bối gian lận khí thải của hãng Volkswagen thu hút chú ý từ năm 2015, khi hãng xe của Đức này thừa nhận đã lắp đặt phần mềm tinh vi để né tránh những quy định về khí thải trên gần 11 triệu chiếc xe động cơ diesel trên khắp thế giới.

Theo các nhà quản lý, phần mềm đó được sử dụng để đối phó việc kiểm tra lượng khí thải của xe. Theo đó, xe sẽ bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra và tự động tắt hệ thống này khi xe chạy trong điều kiện bình thường.

Vụ gian lận khí thải của Volkswagen được gọi là vụ “Dieselgate”, làm chấn động ngành công nghiệp ô tô của Đức và khiến tập đoàn này phải trả giá đắt cả về tiền lẫn danh tiếng.

Volkswagen và cái giá phải trả cho vụ "Dieselgate"

Năm 2015, trước bê bối khí thải, Volkswagen đã chấp nhận bồi thường cho nước Mỹ 15,3 tỉ USD vì gian dối trong xả khí thải từ các xe hơi họ sản xuất. Nhưng cái giá thật sự của vụ bê bối này rất khó đo lường. Đặc biệt là khi người ta tin rằng nó có thể được ngăn chặn sớm hơn.

Thời điểm đó, Volkswagen trong nhiều năm đã lắp vào những chiếc xe của họ một thiết bị cho phép qua mặt tài tình quy trình kiểm định. Nói một cách đơn giản, thiết bị này biết lúc nào xe bị kiểm tra và điều chỉnh được lượng khí NOx trong phòng giám định. Đến khi ra đường chạy thực tế, nó xả khí NOx gấp 40 lần tiêu chuẩn cho phép tại Mỹ. Và khi kẻ phá hoại môi trường lộ chân tướng, một hành trình đi kiếm tìm công lý bắt đầu, dù rất muộn.

nang-chuan-khi-thai-o-to1534839158.jpeg

Volkswagen thừa nhận, họ đã tung ra thị trường khoảng 11 triệu chiếc xe lắp thiết bị qua mặt kiểm định. Riêng tại Mỹ, con số này rơi vào khoảng 475.000 chiếc còn đang chạy trên đường. Tổng giám đốc hãng này từ chức. Các chuyên gia cao cấp bị cho nghỉ việc.

Mỹ là nước hành động quyết liệt nhất trước xìcăngđan được gọi là “Dieselgate” (một từ mới kết hợp giữa chữ “diesel”, tức động cơ diesel, với chữ “gate” trong vụ Watergate).

Chính phủ Mỹ bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý để đòi Volkswagen phải bồi thường; khối dân sự Mỹ bắt đầu các thủ tục để kiện Volkswagen ra tòa; còn giới khoa học thì lao vào cuộc tính toán xem 475.000 chiếc xe kia đã gây thiệt hại bao nhiêu cho người dân Mỹ.

Tại Mỹ, việc một doanh nghiệp phạm tội “tày trời” thỏa thuận với chính phủ, đền bù một khoản tiền lớn để không bị khởi tố là một thông lệ. Trước Volkswagen đã có hai hãng xe lớn đền bù theo thỏa thuận dàn xếp với chính quyền.

0001_dieselgate.jpg

Cơ quan Quản lý môi trường liên bang Mỹ (EPA) tính rằng cứ 1.176 tấn NOx thải ra môi trường thì có thể dẫn tới một trường hợp tử vong. Nếu giả định rằng mỗi chiếc xe tại Mỹ di chuyển khoảng 15.000 dặm (24.140km) mỗi năm và thải ra 2,8 gram khí NOx mỗi dặm thay vì 0,7 gram như tiêu chuẩn cho phép thì 475.000 chiếc xe này có thể đã thải ra thêm 10.000-40.000 tấn vào bầu khí quyển từ năm 2008 đến nay.

Tức là tương đương 8 - 34 người chết. Đó chỉ là những phép tính tối giản. Những tính toán thiệt hại chi tiết không đơn giản như thế, bởi lẽ toàn bộ 300 triệu người dân Mỹ đều phải được coi là nạn nhân của vụ xả khí thải bất hợp pháp này. Việc quy đổi sức khỏe con người ra tiền bạc lại càng không dễ dàng và không có công thức chung.

Hyundai đứng thứ hai thế giới về lợi nhuận trong quý I/2024

Loạt xe sang Lexus, Land Rover, Volkswagen và cả xe máy Ducati trong vụ buôn lậu được rao bán

Có 2 tỷ đồng, ngoài Ford Explorer 2022 còn mua được những xe nào?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vuong-vu-kien-tap-the-hang-xe-porsche-phai-len-hau-toa-voi-nguy-co-mat-80-trieu-usd-157715.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vướng vụ kiện tập thể, hãng xe Porsche phải lên hầu toà với nguy cơ mất 80 triệu USD
POWERED BY ONECMS & INTECH