Vượt Nhà Trắng, công trình đặc biệt của Việt Nam từng xếp thứ 2 trong danh sách các Dinh thự đẹp nhất thế giới

10-05-2024 09:53|Quỳnh Châu

Tòa nhà mang phong cách thời Phục Hưng được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, diện tích sử dụng gần 1.300m2.

Năm 2017, Phủ Chủ tịch của Việt Nam đã lọt top 13 Dinh thự đẹp nhất thế giới do tờ Architectural Digest bình chọn. Cụ thể, xếp thứ 2 trong danh sách này, Phủ Chủ tịch được giới thiệu là một tác phẩm của kiến trúc sư người Pháp Charles Lichtenfelder.

Đứng đầu danh sách năm đó là Dinh Tổng thống ở thủ đô Warsaw, Ba Lan của kiến trúc sư người Ba Lan Chrystian Piotr Aigner. Xếp sau lần lượt là: Dinh Tổng thống Palácio da Alvorada (Brasilia, Brazil); Cung điện Elysee (Paris, Pháp); Dinh Tổng thống Suriname (Paramaribo, Suriname); Belém Palace (Lisbon, Bồ Đào Nha); Điện Kremlin (Moscow, Nga); Dinh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ); Nhà Trắng (Washington DC, Hoa Kỳ); Lâu đài Prague (Prague, Cộng hòa Séc); Dinh Bellevue (Berlin, Đức); Dinh Tổng thống Akorda (Astana, Kazakhstan); Dinh Hofburg (Vienna, Áo).

Con đường phía trước Phủ Chủ Tịch. Ảnh: Wikipedia

Con đường phía trước Phủ Chủ Tịch. Ảnh: Wikipedia

Về Phủ Chủ tịch, đây là công trình nằm ở thủ đô Hà Nội, mang phong cách thời Phục Hưng được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1900-1906), diện tích sử dụng của toà nhà gần 1.300m2. Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng.

Trong thời thực dân Pháp cai trị, toà nhà được gọi là Phủ Toàn quyền Đông Dương. Từ khi được hoàn thành đến ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nơi đây đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền ở và làm việc.

Trong năm 1945-1946, hết phát xít Nhật đến quân đội Trung Hoa dân quốc chiếm giữ toà nhà này. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai thì nơi đây lại trở thành trụ sở cao nhất của chính quyền thực dân.

Theo thiết kế ban đầu dành cho phủ Toàn quyền Đông Dương, mặt bằng của tòa nhà được thiết kế đối xứng, có một khối lớn ở giữa và hai khối ở hai bên. Ảnh: Architectural Digest

Theo thiết kế ban đầu dành cho phủ Toàn quyền Đông Dương, mặt bằng của tòa nhà được thiết kế đối xứng, có một khối lớn ở giữa và hai khối ở hai bên. Ảnh: Architectural Digest

Toà nhà này chỉ thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, thủ đô Hà Nội được giải phóng (tháng 10/1954). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; tiếp đón khách quốc tế và gặp gỡ đại biểu nhân dân Việt Nam. Trong 15 năm, từ năm 1954-1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các đoàn đại biểu trong nước và ngoài nước.

Đây cũng là nơi Bác nhiều lần đọc thơ chúc Tết đầu xuân nhân dịp năm mới. Ảnh: Vương Lộc

Đây cũng là nơi Bác nhiều lần đọc thơ chúc Tết đầu xuân nhân dịp năm mới. Ảnh: Vương Lộc

Đặc biệt, Bác không bao giờ vào sinh sống trong Phủ mà chỉ tiếp khách tại đây. Sau khi trở về Thủ đô, với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Người trên cương vị là người đứng đầu đất nước và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi đón tiếp khách trong nước và quốc tế, Bộ Chính trị cùng Trung ương Đảng đã trân trọng mời Bác về ở và làm việc trong tòa nhà vốn là Phủ Toàn quyền Đông Dương nhưng Bác từ chối. Cuối tháng 12/1954, Bác quyết định về ở trong ngôi nhà của người thợ điện phục vụ cho Phủ Toàn quyền phía góc vườn (có tài liệu ghi đây là nơi làm việc của bộ phận kỹ thuật trực điện phục vụ Phủ Toàn quyền).

Mãi đến 4 năm sau, Bác mới chuyển sang ở ngôi nhà sàn bằng gỗ mới xây dựng trong khu vực Phủ Chủ tịch. Hiện nay, đây là công trình đặc biệt và quan trọng nhất của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn bó với Bác cho tới khi Người qua đời (năm 1969).

Sau năm 1969, Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Người được Nhà nước xếp hạng là Di tích đặc biệt quan trọng trong tổng thể Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Song, đây vẫn được sử dụng là nơi làm việc của Chủ tịch nước và những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước vẫn được diễn ra trang trọng ở đây.

Hiện nay, Phủ Chủ tịch không mở cửa tự do cho công chúng vào bên trong tòa nhà nhưng du khách vẫn có thể mua vé để vào tham quan khu vườn cây xung quanh hay giàn hoa nơi Bác hay tiếp khách. Ảnh: Làng Việt

Hiện nay, Phủ Chủ tịch không mở cửa tự do cho công chúng vào bên trong tòa nhà nhưng du khách vẫn có thể mua vé để vào tham quan khu vườn cây xung quanh hay giàn hoa nơi Bác hay tiếp khách. Ảnh: Làng Việt

Xung quanh Phủ Chủ tịch còn có phía Bắc giáp Hồ Tây; phía Nam giáp chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh; phía Tây liền kề với Vườn Bách Thảo; phía Đông nhìn thẳng ra đường Hùng Vương, Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945. Khách tham quan có thể ngắm nhìn toàn thể vẻ đẹp của các di tích này.

>> Tòa nhà hơn 5.500 tỷ đồng đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất Việt Nam: Là nơi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, sở hữu 2 đường hầm khảo cổ dưới lòng đất

Hai công trình mang đậm dấu ấn nghĩa tình Việt Nam - Cuba ngay giữa trung tâm Hà Nội, một thời quy mô hiện đại, sau 50 năm vẫn phát huy tốt giá trị

Việt Nam có một công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ XX, mất 15 năm để hoàn thành, lưu giữ bức thư gửi hậu thế năm 2.100 mới được mở

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vuot-nha-trang-cong-trinh-dac-biet-cua-viet-nam-tung-xep-thu-2-trong-danh-sach-cac-dinh-tong-thong-dep-nhat-the-gioi-d122270.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vượt Nhà Trắng, công trình đặc biệt của Việt Nam từng xếp thứ 2 trong danh sách các Dinh thự đẹp nhất thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH