Yên Bái xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy sự chuyển dịch chăn nuôi trong quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hoá.
Những năm gần đây, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh Yên Bái đã tạo động lực, thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống người dân khu vực nông thôn.
Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực
Cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã và đang chủ động xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chính sách thiết thực, tạo điều kiện giúp người dân phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Các chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt trong từng thời điểm, phù hợp với mỗi địa phương và khuyến khích người dân chuyển đổi nhanh cơ cấu vật nuôi gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, hình thức chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa đang khá phổ biến tại Yên Bái. Điều đó không chỉ giúp người dân khai thác được tiềm năng, thế mạnh vật nuôi của các địa phương để mang lại giá trị kinh tế cao mà còn chủ động trong phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn sinh học cho các cơ sở chăn nuôi.
Để hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025 nói chung và hỗ trợ ngành chăn nuôi nói riêng, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành một nghị quyết chuyên đề từ cuối năm 2020. Theo đó, các chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi được tập trung vào một số khâu như: xây dựng chuỗi liên kết giá trị; đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; quản lý và chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y; giám sát và dập dịch bệnh động vật theo quy định; hỗ trợ một phần mua con giống, xây mới hoặc cải tạo chuồng trại chăn nuôi.
Nhờ vậy, ngay từ đầu năm 2021, khi tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, tụ huyết trùng...vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng chính sách hỗ trợ giám sát và dập dịch đã kịp thời phát huy tác dụng.
Tỉnh đã nhanh chóng tiêm trên 150.000 liều vaccine tụ huyết trùng cho trâu bò; hơn 100.000 liều dịch tả cho đàn lợn; hơn 72.500 liều lở mồm long móng cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả, dịch bệnh trên vật nuôi được khoanh vùng, dập dịch thành công, tỉnh Yên Bái là một trong số ít tỉnh không có dịch bùng phát trên diện rộng.
Tính đến thời điểm này, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô vừa và lớn theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giải ngân đối với 5 dự án quy mô lớn, với kinh phí hỗ trợ 1.6 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch; hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ cho 1.051 cơ sở, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 25.52 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ con giống được triển khai toàn tỉnh, trong đó thực hiện phối giống được hơn 4.600 liều cho trâu, bò cái sinh sản, với kinh phí gần 1,57 tỷ đồng đạt 131% kế hoạch.
Có thể nói, mức hỗ trợ cho ngành chăn nuôi không phải quá lớn, nhưng rất kịp thời và thiết thực, đặc biệt trong lúc dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi đang khó khăn. Đó là động lực quan trọng, tiếp thêm niềm tin cho người chăn nuôi đầu tư mở rộng quy mô, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung.
Nhận xét về chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải, ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, trong năm 2021 toàn huyện đã hỗ trợ cho 151 hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản hữu cơ, với tổng kinh phí là 2.84 tỷ đồng.
Điều đó, góp phần nhanh chóng khôi phục lại giống vật nuôi đặc sản trên địa bàn huyện, đưa tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện tăng trên 8,5% so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn huyện đạt 320 tấn/tháng.
Đặc biệt, nhờ chính sách hỗ trợ đã làm thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung của người dân vùng cao.
Tăng quy mô và hiệu quả kinh tế
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thị trường tiêu thụ và giá thức ăn tăng cao, song nhờ có chính sách hỗ trợ tích cực, sản xuất chăn nuôi của tỉnh Yên Bái vẫn đạt được kết quả khả quan, khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho thấy, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 29% năm 2015 lên 37% năm 2020 trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) năm 2015 đạt 1.406 tỷ đồng tăng lên 1.980 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 40.84% so với năm 2015.
Dự ước sẽ đạt khoảng 2.150 tỷ đồng trong năm 2021
Thực tế cho thấy, giá trị cốt lõi của chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung là để giảm tối đa chi phí và tăng cao hiệu quả đầu tư.
Theo bà Hoàng Thị Linh, trú tại thôn 3, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình là một trong hàng ngàn hộ gia đình được nhận hỗ trợ phấn khởi cho biết, trước đây gia đình chỉ quen với chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi lứa lợn chỉ nuôi từ 5 - 7 con.
Năm 2021 có chính sách hỗ trợ với mức 40 triệu đồng, gia đình mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, nâng quy mô nuôi 100 con/lứa. Nhờ mở rộng quy mô chăn nuôi, do đó tiết kiệm nhiều khoản chí phí, từ đầu năm đến nay gia đình đã xuất bán 2 lứa lợn, sau khi trừ chi phí có lãi trên 200 triệu đồng.
Qua giám sát thực tế của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về các chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ông Vũ Quỳnh Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khẳng định, phong trào phát triển chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang phát triển mạnh, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt nhờ có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên số cơ sở chăn nuôi tập trung của tỉnh ngày một tăng, nhất là đối với chăn nuôi lợn và gia cầm.
Theo báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái cho thấy, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.100 cơ sở chăn nuôi hàng hóa được hỗ trợ, góp phần quan trọng đưa tổng đàn gia súc toàn tỉnh là 752.500 con, đạt 102% so với kế hoạch năm 2021; tổng đàn gia cầm là 6.655.000 con, đạt 106% kế hoạch năm 2021.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt khoảng 71.600 tấn, đạt 123% kế hoạch năm 2021; trong đó đáng chú ý sản lượng thịt hơi xuất chuồng của đàn gia súc (trâu, bò, lợn) đạt khoảng 56.350 tấn, bằng 118.5% kế hoạch năm 2021.
Đây là những con số ấn tượng của ngành chăn nuôi trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh cũng như sự bấp bênh về giá cả của thị trường tiêu thụ sản phẩm, khảng định một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của tỉnh Yên Bái.
Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, nội dung các chính sách hỗ trợ đã có sự đổi mới về cách tiếp cận, giúp người dân dễ dàng nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nếu tham gia sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về việc gắn sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định, bền vững.