Chứng khoán Aseansc dự báo, trong phiên giao dịch 19/11, lực cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.460 - 1.465 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.470 - 1.475 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.480 - 1.485 điểm.
Tổng quan phiên 18/11:
Phiên đáo hạn phái sinh tháng 11 diễn ra với những nhịp rung lắc mạnh. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, FPT, HPG, MSN, VIC, VNM, SAB, HVN…cùng với các cổ phiếu ngân hàng ACB, CTG, MBB, STB, VCB, VIB, VPB, LPB, TCB…đồng loạt giảm đã khiến thị trường đóng cửa giảm xuống mức thấp nhất phiên, dù phần lớn thời gian giao dịch diễn ra trong sắc xanh.
Do ảnh hưởng từ đợt đáo hạn của hợp đồng tương lai phái sinh chỉ số VN30 nên thị trường chứng khoán rung lắc mạnh vào cuối phiên. Trong đó, GAS giảm 3,1%, HPG giảm 2,8%, ACB giảm 2,4%, VPB giảm 2,1%, VIC giảm 1,9%,... điều này khiến VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên.
Trong khi đó, bộ đôi cổ phiếu SSI và PAN đều tăng kịch trần. Bên cạnh SSI, Tập đoàn PAN cũng có kế hoạch tăng vốn lên hơn 4.500 tỷ đồng thông qua thưởng, chào bán cổ phiếu.
Chứng khoán tiếp tục là nhóm ngành nóng nhất sàn HOSE chiều nay với SSI và nhiều mã khác tăng trần như AGR, BSI, CTS, TVB hay VIX. VND ngược lại, chỉ tăng có 4,4% dù cũng từng chạm trần ngay từ đầu phiên chiều.
Bất động sản và xây dựng cũng là 2 nhóm ngành tăng nóng trên HOSE chiều nay khi có rất nhiều cổ phiếu tăng giá trên 5%, đặc biệt là các mã Mid và Small Cap. Ngược lại, sắt thép, ngân hàng, xăng dầu là các nhóm ngành lớn nhưng lại có nhiều cổ phiếu giảm.
Diễn biến đợt ATC trên HOSE không ảnh hưởng gì đến chỉ số 2 sàn HNX và UpCOM. Cộng với diễn biến của chính 2 nhóm Mid và Small Cap trên HOSE, dường như sự giảm điểm của VN30 index là nhằm để phục vụ phe short bên phái sinh.
Chỉ số HNX-Index gần như đi ngang suốt phiên chiều và treo cao hơn tham chiếu đến 1,25% vào lúc đóng cửa. Trong số Large Cap sàn này, CEO vẫn không chịu rời khỏi trần, THD và IDC tăng nhẹ, 1 số mã liên quan đến dầu khí giảm giá, nhưng rõ ràng những cổ phiếu nhóm chứng khoán niêm yết nơi đây là lực đỡ lớn cho chỉ số trong phiên chiều bao gồm BVS, SHS, MBS…
Chỉ số sàn UpCOM có vẻ chịu ảnh hưởng đôi chút từ HOSE trong khoảng giữa phiên chiều nhưng sau đó bật tăng mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Trên sàn này, có đến 47 mã tăng trần trong tổng số 220 cổ phiếu tăng giá. Thậm chí nếu tính thêm những mã không tím trần, nhưng tăng từ 10% trở lên thì còn nhiều hơn nữa. Chỉ có điều, đa số những mã tăng hơn 10% hoặc tím này đều là cổ phiếu nhỏ, hoặc rất lạ lẫm.
Hôm nay rõ ràng có lực bắt đáy ở các cổ phiếu nhóm sắt thép, chỉ có điều lực mua không đủ để giúp hồi giá. Không ít cổ phiếu, bao gồm cả các mã hàng đầu như HPG, HSG và NKG đều có mức giá đóng cửa thấp hơn cả cuối phiên sáng. Đặc biệt HSG giảm giá đến 6,1% cũng là mức giảm mạnh nhất trong cả ngày.
Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,02 điểm (-0,41%) xuống 1.469,83 điểm; toàn sàn có 223 mã tăng, 243 mã giảm và 39 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,78 điểm (1,25%) lên 468,73 điểm; toàn sàn có 153 mã tăng, 120 mã giảm và 36 đứng giá. UpCOM-Index tăng 1,31 điểm (1,17%) lên 113,52 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng vọt so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 40.472 tỷ đồng - tăng 31,5% trong đó giá trị khớp lệnh trên HOSE tăng 34,7% lên mức 32.947 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng mạnh ở 3 mã trên có thể là 1 yếu tố dẫn đến giảm giá, tuy nhiên cũng cần chờ thêm đến ngày mai để xác định nhóm này có chịu tác động bởi tin tức tiêu cực nào hay không. Dù sao lượng khớp khủng trên các mã này cũng là yếu tố được coi là tích cực, ít nhất đối với giới phân tích kỹ thuật. Khối ngoại đã rút ròng khoảng 470 tỷ đồng trên HOSE.
Nhận định phiên 19/11:
CTCK Asean (Aseansc): Hồi phục trở lại
Trong phiên giao dịch ngày 18/11, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, và đóng cửa giảm hơn 6 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 6,02 điểm (giảm 0,41%), đóng cửa ở mức 1.469,83. Thanh khoản HOSE ở mức gần 1.091 triệu cp (tăng 27%), giá trị gần 34.900 tỷ đồng (tăng 34%).
Thị trường phiên 18/11 ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ trong bối cảnh thanh khoản tăng khá, và áp lực bán có phần gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30). Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán tiếp tục thu hút dòng tiền khá tốt với hàng loạt mã tăng mạnh, qua đó giúp thị trường không bị giảm quá sâu.
Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 19/11, lực cầu tại vùng hỗ trợ gần 1.460 - 1.465 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.470 - 1.475 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.480 - 1.485 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Tiếp tục nắm giữ
VN-Index có nhịp tăng điểm vào cuối phiên sáng, chớm vượt đỉnh ngắn hạn, trước khi đảo chiều suy yếu và sụt giảm về cuối phiên 18/11. KBSV cho rằng mẫu hình nến hướng lên đang dần hình thành và đã bắt đầu gây ra những tác động lo ngại đến tâm lý thị trường. Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh là hiện hữu nếu chỉ số phá vỡ cạnh dưới của mẫu hình, nằm tại quanh 1.465 điểm.
Mặc dù vậy, ý nghĩa của mẫu hình này hiện chỉ mang tính ngắn hạn và kể cả trong trường hợp phá vỡ cạnh dưới, VN-Index vẫn có cơ hội hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ đáng chú ý quanh 1.450 (+/-5) điểm. KBSV khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ 1 phần vị thế bám theo xu hướng chính ở mức cân bằng và linh hoạt trading quay vòng phần còn lại, mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự để tăng hiệu quả cho danh mục.
CTCK MB (MBS): Có khả năng phục hồi
Với phiên giảm trên 1% (18/11), chỉ số VN30 hiện đang ở ngưỡng hỗ trợ ứng với đỉnh tháng 6 và tháng 8 vừa qua, do vậy khả năng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong phiên cuối tuần 19/11 hoặc những phiên sắp tới. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap vẫn trong quá trình tìm các đỉnh cao mới khi dòng tiền chủ yếu tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là các cổ phiếu trên sàn UpCOM.
Về kỹ thuật, thị trường có khả năng phục hồi trong phiên 19/11 tới khi nhóm VN30 đang ở ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, dòng tiền vẫn tiếp tục hoạt động sôi nổi ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong đó đáng chú ý là nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản hoặc cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Thời điểm phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn
Nhìn chung, dòng tiền hiện không còn “nhiệt tình” với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như trước khi mà VN-Index đã tăng khá mạnh kể từ nửa cuối tháng 10 và hiện đang tiệm cận ngưỡng 1.500 điểm thể hiện qua sự phân hóa rõ nét của nhóm cổ phiếu "trụ" trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, mức giảm của chỉ số chung trong phiên 18/11 là không quá lớn và thực tế chỉ số vẫn đang trong giai đoạn tích lũy tạo nền ngắn hạn trong quá trình hướng tới các mốc điểm số cao hơn.