Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng, mặc dù chưa thoát được vùng thăm dò nhưng VN-Index vẫn ghi nhận được tín hiệu tăng cho thấy xu thế chung của chỉ số vẫn chưa có tín hiệu thay đổi. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng VN-Index sẽ thoát vùng thăm dò và tiếp tục đi lên.
Tổng quan phiên 5/11:
Đà hồi phục của nhóm VN30 kể từ sau 14h đã ủng hộ kịch bản tăng chung của VN-Index và giúp chỉ số nới rộng biên độ tăng điểm trong nửa cuối phiên chiều 5/11/2021. Cổ phiếu GAS của PV Gas với mức tăng 2,22% là mã đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index với gần 2,6 điểm.
Sắc xanh bao phủ ở nhiều nhóm ngành trong phiên giao dịch cuối tuần, riêng chỉ số ngành ngân hàng lại đi ngược lại thị trường chung với mức giảm nhẹ 0.37% khi sắc đỏ xuất hiện ở nhiều mã của ngành này như VCB, TCB, BID, VPB, MBB, HDB,… Chỉ số ngành chế biến thủy sản, tiện ích, nông - lâm - ngư tạo điểm nhấn khi có mức tăng trưởng trên 3,5%, cùng với đó là nhiều ngành có mức tiến từ 1% đến 3%.
Ở rổ VN30, sắc xanh chiếm được một phần ưu thế với 17 mã tăng, 11 mã giảm và 2 mã đứng giá. Giá cổ phiếu GAS bật tăng mạnh mẽ 4.5% và dẫn đầu nhóm cổ phiếu tăng điểm. PNJ duy trì đà tăng trên 3%, giá POW và PLX vượt hơn 2% và nhiều mã hiện sắc xanh quanh mức 1%. HDB và VRE là 2 mã dẫn đầu nhóm giảm nhưng sắc đỏ ở các mã này không quá lớn.
Cước vận tải biển (Baltic Dry Index) tiếp tục chuỗi ngày sụt giảm là một trong những nguyên nhân giúp nhóm cổ phiếu ngành thủy sản có phiên giao dịch bứt phá. Giá cổ phiếu NGC, FMC, CMX và IDI cùng xuất hiện trạng thái kịch trần. Bên cạnh đó, AGF và MPC cũng vượt trên 6%, ACL cũng tiệm cận mức 6%, VHC và HVG cũng tăng trên mức 3%.
Ở nhóm nhựa hóa chất, đặc biệt là ở các mã ngành phân bón đã có phiên tăng tốc trở lại sau khoảng thời gian điều chỉnh trước đó. DPM và DCM xuất hiện sắc tím kịch trần với khối lượng giao dịch vượt mức trung bình 20 ngày trong khi đó BFC cũng đóng cửa với mức giá trần.
Giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt trong tháng 10 và hướng tới mức kỷ lục cũng đã đẩy giá nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm đồ uống trong nước trong phiên hôm nay. Sắc tím xuất hiện ở nhóm này với TAR, DBC và TAC. Còn ở ngành nông nghiệp, PMB và HAG cũng xuất hiện mức giá trần, giá HNG cũng tăng gần 5%, APC, HSL, SJF và VIF cùng tiến quanh mức 3%.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,17 điểm (0,56%) lên 1.456,51 điểm; toàn sàn có 303 mã tăng, 148 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,22 điểm (1,24%) lên 427,64 điểm; toàn sàn có 132 mã tăng, 100 mã giảm và 60 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 0,82 điểm (0,76%) lên 108,2 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.568 tỷ đồng - giảm 5,4% so với phiên trước trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE đạt 24.810 tỷ đồng giảm 6%.
Khối ngoại mua ròng hơn 226 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng trên 7 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu HPG, GAS và CTG trên sàn HOSE. THD và CEO là những mã được mua ròng nhiều nhất tại sàn HNX.
Nhận định phiên 8/11:
CTCK SHS: Dư địa tăng vẫn còn
Thị trường tăng điểm trong tuần thứ 2 liên tiếp qua đó giúp VN-Index đóng cửa tuần trên ngưỡng tâm lý 1.450 điểm. Thanh khoản trong tuần qua lập kỷ lục mới cho thấy lực cầu mua lên là thực sự mạnh và dòng tiền vẫn đang tiếp tục đổ vào thị trường.
Khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên hai sàn cũng phần nào đó thu hẹp mức tăng của thị trường.
Tuy nhiên, trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường tiếp tục nằm trong sóng tăng 5 với mục tiêu theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.550 điểm. Do đó, dư địa tăng là vẫn còn và VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến những mức điểm cao mới. Tuy nhiên những phiên rung lắc có thể xảy ra trong quá trình này.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì VN-Index có thể sẽ cần test lại lực cầu quanh ngưỡng tâm lý 1.450 điểm.
CTCK Kiến Thiết Việt Nam - CSI: Bảo lưu kỳ vọng tăng
Theo quan điểm của chúng tôi, phiên bùng nổ thanh khoản lịch sử trong tuần qua chủ yếu đến từ việc chốt lời ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng khi nhóm này vốn đã tăng khá nóng trong thời gian trước đó mà không lan rộng ra toàn bộ thị trường. Ngay sau đó, lực cầu bắt đáy vẫn liên tục nhập cuộc cho thấy tâm lý của giới đầu tư vẫn rất lạc quan về viễn cảnh thị trường trong ngắn hạn.
Còn trên biểu đồ tuần, xu hướng tích cực vẫn thể hiện khá rõ khi VN-Index đóng tuần giữ được sắc xanh với thanh khoản tăng mạnh.
Chúng tôi vẫn giữ nguyên kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục vận động tích cực để hướng tới ngưỡng kháng cự 1.480 - 1.500 điểm với động lực chính là nhóm bất động sản và chứng khoán.
CTCK Rồng Việt - VDSC: Dòng tiền vẫn tích cực
Trong phiên cuối tuần trước, VN-Index tăng 8,17 điểm (+0,56%), đóng cửa tại 1.456,51 điểm. Thanh khoản tăng giảm với 844,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Chỉ báo kỹ thuật MACD và RSI cùng tăng.
VN-Index trở lại thăm dò vùng 1.450 - 1.460 điểm. Thanh khoản giảm so với các phiên trước nhưng vẫn trên mức trung bình 50 phiên cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng nhưng áp lực bán cũng đã hạ nhiệt.
Mặc dù chưa thoát được vùng thăm dò nhưng VN-Index vẫn ghi nhận được tín hiệu tăng cho thấy xu thế chung của chỉ số vẫn chưa có tín hiệu thay đổi. Chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sẽ thoát vùng thăm dò và tiếp tục đi lên.