Theo Chứng khoán KB Việt Nam, chỉ số VN-Index đang giữ được kênh tăng điểm tính từ đáy giữa tháng 7 và điều này đang hỗ trợ tâm lý cho thị trường. Mặc dù vậy, đà tăng của điểm số đi kèm sự sụt giảm của thanh khoản cho thấy động lực đi lên mới chỉ phần nhiều dựa vào tự tiết giảm của bên bán và thị trường sẽ sớm đối mặt với áp lực rung lắc để kiểm chứng sự ổn định của bên mua trong một vài phiên tới kể từ phiên 8/12.
Tổng quan phiên 7/12:
Pha đảo chiều của VN-Index phiên 7/12/2021 không khỏi khiến nhà đầu tư chóng mặt. Chỉ số chính đã có phiên hồi phục mạnh mẽ đầy bất ngờ khi lấy loại hoàn toàn số điểm đã mất trong phiên trước đó. Thị trường khởi sắc hơn trong phiên giao dịch chiều nay. Sắc xanh của nhóm VN30 thúc đẩy đà tăng của VN-Index. Trái với diễn biến tiêu cực trong phiên hôm qua, tất cả các mã trong rổ VN30 đều tăng giá hôm nay.
Càng về cuối phiên, diễn biến thị trường càng trở nên tích cực với sự bứt phá mạnh của các nhóm cổ phiếu. Nhóm ngân hàng là đầu tàu dẫn dắt thị trường tăng điểm với hàng loạt mã tăng mạnh như ACB, CTG, MBB, STB, VCB, VIB, VPB, LPB, TCB…
Nhóm chứng khoán sau những phút trầm lắng trong phiên sáng đã thu hút dòng tiền trở lại và hầu hết cổ phiếu như SSI, CTS, AGR, MBS, SHS, VND, VCI,… đều đóng cửa trong sắc xanh tăng điểm.
Trong khi đó, nhóm bất động sản, xây dựng sau vài phiên điều chỉnh gần đây đã tăng mạnh trở lại, thậm chí nhiều mã tăng trần như HBC, HDC, HUT, ITA, LCG, LDG, QCG…Tương tự, dòng tiền cũng đổ mạnh sang nhóm thép giúp nhiều cổ phiếu hồi phục trong đó SMC và TLH tăng trần, HPG tăng 4%. Dòng tiền cũng hướng tới nhóm dầu khí giúp các cổ phiếu PVS, PVD, GAS, PVB, PVC, POW,… tăng mạnh trong phiên hôm nay.
Với nhóm Bluechips, nhiều cổ phiếu lớn như BVH, FPT, HPG, MSN, REE, VIC, VNM, SAB, HVN…đồng thuận tăng điểm giúp sắc xanh thị trường được củng cố vững chắc.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 33,19 điểm (2,35%) lên 1.446,77 điểm; toàn sàn có 396 mã tăng, 67 mã giảm và 42 mã đứng giá. HNX-Index tăng 10,56 điểm (2,42%) lên 446,41 điểm. HNX-Index tăng 10,56 điểm (2,42%) lên 446,41 điểm; toàn sàn có 174 mã tăng, 63 mã giảm giá 48 mã đứng giá. UpCOM-Index tăng 1,66 điểm (1,52%) lên 110,84 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm sâu so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 24.025 tỷ đồng - giảm 33% trong đó giá trị khớp lệnh khớp lệnh giảm 34,4% và đạt 19.719 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại cũng duy trì tích cực khi họ mua ròng phiên thứ hai liên tiếp. Cụ thể, NĐT nước ngoài gom ròng hơn 300 tỷ đồng trên HOSE hôm nay trong đó các mã được mua ròng mạnh gồm VHM (138,5 tỷ đồng), FUEVFVND (47,6 tỷ đồng), VCB (32,4 tỷ đồng), HCM (28 tỷ đồng),...
Nhận định phiên 8/12:
CTCK Agribank (Agriseco): Tăng giảm đan xen?
Agriseco Research đánh giá phiên hồi phục ngày 7/12 chưa đủ để khẳng định Index đã thiết lập đáy ngắn hạn và tiếp tục với quá trình đi lên do đó nhà đầu tư sẽ cần quan sát thêm diễn biến trong phiên ngày 8/12 để xác định xu hướng chính xác hơn. Trước mắt, thị trường sẽ cần kiểm định lại mốc MA20 tại quanh vùng 1.465 điểm với sự đồng thuận của thanh khoản để hình thành lại kênh tăng giá ngắn hạn. Agriseco duy trì quan điểm Index sẽ tiếp tục tích lũy với các phiên tăng giảm xen kẽ để tạo đà vượt qua cột mốc lịch sử 1.500 điểm vào cuối năm.
CTCK MB (MBS): Duy trì nhịp phục hồi
Một phiên hồi phục mang tính kỹ thuật khi chỉ số VN-Index giảm hơn 70 điểm sau 3 phiên liên tiếp. Nhà đầu tư thường nghi ngờ đối với những phiên bật tăng như phiên 7/12 nên thanh khoản thấp.
Tuy vậy, có thể thấy rằng sau chuỗi giảm mạnh thì nhịp nảy lên của chỉ số mới là tín hiệu quan trọng, ở phiên 7/12 thị trường đã bật tăng ngay từ khi mở cửa và đà tăng được duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch với sự hợp tác của bên bán. Nhiều khả năng, thị trường vẫn duy trì nhịp phục hồi trong phiên ngày 8/12 tới khi chứng khoán thế giới đang ủng hộ.
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Thị trường sẽ sớm đối mặt với áp lực rung lắc
Chỉ số vẫn đang giữ được kênh tăng điểm tính từ đáy giữa tháng 7 và điều này đang hỗ trợ tâm lý cho thị trường. Mặc dù vậy, đà tăng của điểm số đi kèm sự sụt giảm của thanh khoản cho thấy động lực đi lên mới chỉ phần nhiều dựa vào tự tiết giảm của bên bán và thị trường sẽ sớm đối mặt với áp lực rung lắc để kiểm chứng sự ổn định của bên mua trong một vài phiên tới kể từ phiên 8/12.
Trong kịch bản đó, vùng hỗ trợ gần quanh 1.420 điểm và sâu hơn là 1.390 điểm được kỳ vọng sẽ tạo điểm đỡ ngắn hạn cho VN-Index trước khi chỉ số thiết lập một mặt bằng giá vững chắc hơn.
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Tiếp tục tăng điểm
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã lấy lại được vùng hỗ trợ 1,420-1,425 điểm giúp cho xu hướng tăng của thị trường được cải thiện và khả năng để VN-Index hướng đến các ngưỡng cao hơn trong thời gian tới là có thể diễn ra.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 8/12, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự tâm lý 1.450 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.465 - 1.470 điểm (MA20). Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán quay trở lại thì VN-Index có thể sẽ cần test lại vùng hỗ trợ 1.420 - 1.425 điểm (đỉnh tháng 7/2021) và xa hơn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm.