Xử lý thế nào với loạt dự án điện mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm?
Những sai phạm liên quan đến hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Giờ đây, xử lý sau thanh tra với các dự án này như thế nào là điều đang được quan tâm.
Đằng sau con số điện tái tạo vượt quy hoạch
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, trong đó chỉ ra loạt khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công Thương. Vấn đề bùng nổ đầu tư điện gió, điện mặt trời được Thanh tra Chính phủ lưu ý nhiều vấn đề.
Nhìn ở khía cạnh khác, việc đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời từ các năm 2018-2021 đã góp phần cung cấp lượng điện đáng kể cho nền kinh tế, từ chỗ chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể thì nay đã chiếm khoảng 15-16% sản lượng toàn hệ thống. Đặc biệt trong thời gian thiếu điện dịp hè vừa qua, nguồn điện tái tạo này đã góp phần giảm thiểu mức độ thiếu điện.
Kết quả thực tế năm 2019, 2020, 2021 và 2022, sản lượng điện tái tạo tăng đáng kể đã góp phần giảm mạnh điện chạy dầu giá cao.
"Số tiền tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng", báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội hồi đầu năm ước tính.
Đoàn Giám sát của Quốc hội về năng lượng cũng đánh giá: "Nhìn vào bối cảnh phát triển nguồn điện ở giai đoạn này, các chính sách nêu trên đã giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn và tạo một lượng công suất dự phòng đáng kể, giảm nhập khẩu than đồng thời tăng chỉ số an ninh năng lượng quốc gia".
Thông tin từ EVN cho biết, giá điện mặt trời điện gió trong 3 năm qua rẻ hơn các nhà máy than nhập khẩu. Nếu không mua năng lượng tái tạo sẽ phải mua thêm điện than nhập khẩu. Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu tăng lên đến mức từ 3.537,21-4.230,4 đồng/kWh (tương đương 14,2-16,9 Uscent/kWh).
Đơn cử trong ngày nắng nóng đỉnh điểm 19/5/2023, điện mặt trời và điện gió đã "cứu" được 115 triệu kWh trong tổng số 923 triệu kwh (12,5%) khi cả nước đã khai thác hết nguồn điện.
“Miền Bắc tháng 6 vừa rồi mất điện chỉ 500 triệu kWh nhưng Ngân hàng Thế giới đã tính toán thiệt hại 1,4 tỷ USD. Miền Nam đang mua hơn 30 tỷ kWh năng lượng tái tạo mỗi năm. Điều gì xảy ra nếu không có năng lượng tái tạo ở miền Nam?”, một chuyên gia năng lượng nhẩm tính.
Vội vàng chuyện giá ưu đãi, nghiệm thu
Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Hàng trăm dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung (với dự án dưới 50 MW) hoặc tham mưu Thủ tướng bổ sung (dự án trên 50 MW) không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, không có cơ sở để quản lý, kiểm soát và đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nguy cơ phát sinh cơ chế xin cho.
Thanh tra Chính phủ cũng đã điểm mặt 14 dự án điện tái tạo đang được hưởng giá ưu đãi (FIT) không đúng và đề nghị Bộ Công Thương chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế khi để EVN "gánh" hơn 1.400 tỷ đồng đã mua điện của các dự án này.
Ngoài ra, 14 dự án khác cũng được hưởng giá ưu đãi 7,09 UScent/kWh không đúng đối tượng... Đó là Ea Súp 1, 2, 3, 4 ,5; Jang Pông giai đoạn 2, KN Vạn Ninh, Long Sơn, Thác Mơ, Phan Lâm 2, Hồ Núi Một 1, Cẩm Hưng, Hồng Liêm 3, VNECO Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra 26 dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và đưa vào vận hành khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư.
Đại diện một doanh nghiệp thuộc diện được áp giá sai cho biết, đến nay chưa được thông báo kế hoạch đàm phán lại giá. Theo doanh nghiệp này, đây là vấn đề quan hệ hợp đồng giữa EVN và nhà đầu tư. Hợp đồng mua bán điện được lập dựa trên hợp đồng mẫu của Bộ Công Thương. Trong hợp đồng đó, nhà đầu tư và EVN cũng có quyền thỏa thuận những gì pháp luật không cấm. Còn nếu nhà đầu tư vi phạm quy định nào trong quá trình xây dựng, quy hoạch, nhập khẩu vật tư thiết bị, đền bù… thì là quan hệ của DN với cơ quan công quyền.
Nếu nhà đầu tư vi phạm điều gì bị xử phạt hành chính liên quan đến điều đó. Nhiều dự án đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài thì việc xử lý về kinh tế lại càng khó.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công, cho rằng: Việc xử lý người phê duyệt dự án không có căn cứ, trái quy định của pháp luật thì đương nhiên, nhưng mong rằng cơ quan chức năng sẽ tính toán, cân nhắc không xử lý các doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án như vậy.
Việc doanh nghiệp được cơ quan chức năng phê duyệt dự án ngày hôm nay, nếu ngày mai phát hiện ra cán bộ ký quyết định đó làm sai thì quyền lợi của doanh nghiệp không được bảo đảm, sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp.
Nhiều lần đề nghị bổ sung Kết quả nghiệm thu nhưng không được trả lời rõ ràng Một cán bộ có trách nhiệm tại EVN cho biết: Từ cuối 2018, lúc đó chưa có nhà máy điện mặt trời nào vận hành, EVN đã báo cáo, đề nghị Bộ Công Thương ban hành quy trình công nhận COD. Tuy nhiên, EVN không nhận được bất cứ văn bản trả lời nào. Đến khi phát hiện các bất cập giữa Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành và các văn bản dưới Luật Xây dựng, tháng 6/2021, EVN đã có văn bản gửi Bộ đề nghị cho phép bổ sung "kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng" vào điều kiện để công nhận COD cho các dự án điện gió, điện mặt trời. Nhưng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chỉ chỉ đạo chung chung. Những văn bản sau đó, EVN cũng không nhận được cảnh báo nào của Bộ Công Thương về việc EVN công nhận COD các nhà máy điện trên chưa đúng quy định. Theo tìm hiểu, các thông tư của Bộ Công Thương liên quan đến điện gió, điện mặt trời từ 2022 trở về trước không đề cập quy định cụ thể phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chấp thuận kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi EVN mua điện. Đến ngày 21/4/2023, Bộ Công Thương mới ban hành Thông tư số 10/2023, trong đó có nhắc đến việc phải có văn bản chấp nhận kết quả nghiệm thu khi COD các nhà máy điện tái tạo. |
>> Hai dự án điện mặt trời được áp giá FIT không đúng quy định đã 'sang tay' nhà đầu tư Thái Lan