PGS.TS Ngô Trí Long: Mức giá trần điện gió hiện nay không đủ hấp dẫn nhà đầu tư
Hiện giá trần cho điện gió trên bờ là 1.587,12 đồng/kWh (chưa VAT), tương đương khoảng 6,7 cent/kWh. Trong khi đó, theo đánh giá của IRENA, mức giá cạnh tranh phải khoảng 7 – 9 cent/kWh mới đảm bảo hấp dẫn nhà đầu tư.
Giá điện gió phải 7–9 cent/kWh mới hấp dẫn, hiện nay chỉ 6,7 cent
Tại Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và hành động” diễn ra sáng 28/7, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Việt Nam cần một nguồn vốn khổng lồ để thực hiện cam kết giảm phát thải.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần huy động 368 tỷ USD cho lộ trình Net Zero. Riêng giai đoạn 2021 – 2030, nhu cầu vốn cho đầu tư năng lượng tái tạo, hạ tầng truyền tải, lưu trữ năng lượng và số hóa ước tính trên 135 tỷ USD. So với tổng đầu tư công trung bình mỗi năm của Việt Nam (khoảng 28 – 32 tỷ USD), quy mô này vượt xa khả năng ngân sách truyền thống.
“Áp lực tài chính là cực lớn. Nếu không có cơ chế đột phá, Việt Nam sẽ khó huy động đủ vốn cho chuyển dịch năng lượng,” ông Long cảnh báo.
Một trong những nút thắt lớn nhất, theo ông Long, là cơ chế giá điện chưa phản ánh đúng chi phí đầu tư và rủi ro của doanh nghiệp. Hiện giá trần cho điện gió trên bờ là 1.587,12 đồng/kWh (chưa VAT), tương đương khoảng 6,7 cent/kWh.
“Trong khi đó, theo đánh giá của IRENA (Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế), mức giá cạnh tranh phải khoảng 7 – 9 cent/kWh mới đảm bảo hấp dẫn nhà đầu tư,” ông Long phân tích.
Điều này tạo ra sự bất cân đối giữa kỳ vọng lợi nhuận và rủi ro đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng, đồng VND chịu áp lực mất giá so với USD.
![]() |
PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, Việt Nam cần 368 tỷ USD cho Net Zero, nhưng cơ chế giá điện chưa mở cửa cho vốn tư nhân. Ảnh minh hoạ. |
Không chỉ giá điện, hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện vẫn thiếu tính ràng buộc dài hạn và cơ chế bảo lãnh tài chính. “Chưa có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ ba uy tín, nhà đầu tư quốc tế rất e ngại rủi ro pháp lý,” ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý riêng cho PPA trực tiếp giữa nhà sản xuất điện và khách hàng tiêu thụ lớn, điều mà nhiều nước trong khu vực đã triển khai.
Theo thống kê của Bloomberg NEF (2024), tổng giá trị trái phiếu xanh và khoản vay xanh cho ngành năng lượng Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD năm 2023, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4,6 tỷ USD) và Indonesia (3,2 tỷ USD).
“Nguyên nhân không nằm ở thiếu dự án, mà ở sự thiếu chuẩn mực pháp lý cho tài chính xanh, từ thị trường carbon, trái phiếu xanh đến chứng chỉ năng lượng tái tạo,” ông Long chỉ rõ.
Cách nào khơi thông?
Để khơi thông nguồn vốn khổng lồ cho lộ trình Net Zero, PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất một loạt giải pháp mang tính đột phá về thể chế và tài chính.
Trước hết, Petrovietnam cần được tái định vị trở thành một tập đoàn năng lượng toàn diện, không chỉ tập trung vào dầu khí mà còn phải mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và hạ tầng số hóa.
“Petrovietnam phải có chiến lược tài chính dài hạn, đóng vai trò dẫn dắt thị trường, thay vì chỉ là một nhà đầu tư đơn lẻ,” ông Long nhấn mạnh.
Song song đó, ông kiến nghị thành lập Quỹ đầu tư chuyển dịch năng lượng trực thuộc Petrovietnam, hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng có sự bảo trợ từ Nhà nước, nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Quỹ này có thể phát hành trái phiếu xanh, hợp tác với các định chế tài chính quốc tế và hỗ trợ các dự án trọng điểm về điện gió, điện mặt trời, hạ tầng truyền tải.
Một đề xuất đáng chú ý khác là thí điểm mô hình “Ngân hàng năng lượng quốc gia” – một định chế tài chính chuyên biệt để cung cấp tín dụng ưu đãi, bảo lãnh rủi ro cho các dự án xanh, tương tự mô hình mà một số quốc gia châu Âu và Nhật Bản đang áp dụng.
Về khung thể chế, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh cần hoàn thiện toàn bộ chính sách về giá điện, PPA và công cụ tài chính xanh. Theo ông, cơ chế bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ ba cho PPA dài hạn là điều kiện tiên quyết để thu hút vốn ngoại. Bên cạnh đó, cần ban hành chuẩn mực phát hành trái phiếu xanh, quy định rõ về thị trường carbon, và khung pháp lý cho giao dịch điện trực tiếp (DPPA) – một mô hình cho phép nhà sản xuất điện bán trực tiếp cho khách hàng công nghiệp lớn, phù hợp với xu hướng quốc tế.
“Muốn đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam không thể trông chờ vào nguồn vốn công. Chúng ta cần một cơ chế thị trường đủ hấp dẫn, minh bạch, với sự tham gia chủ động của Nhà nước trong vai trò dẫn dắt, để huy động hàng trăm tỷ USD từ khu vực tư nhân và các định chế quốc tế,” ông Long nhấn mạnh.
>>>Phó Chủ tịch VNREA đề xuất mô hình giúp người Việt giảm tới 40% chi phí mua nhà ngay từ đầu