Hai dự án điện mặt trời được áp giá FIT không đúng quy định đã 'sang tay' nhà đầu tư Thái Lan

26-12-2023 20:26|Hồ Nga

Kết luận thanh tra Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy có 14 dự án được áp dụng giá FIT 9,35 UScent/kW không đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Kết luận cho thấy Bộ Công Thương đã tham mưu nội dung Khoản 3 điều 5 trong quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, theo đó mở đối tượng áp dụng giá FIT 9,35 UScent/kW là “các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp”. Điều này dẫn đến 14 dự án được áp dụng giá FIT 9,35 UScent/kW không đúng đối tượng.

Hệ quả, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 EVN phải thanh toán tăng khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng (thanh toán tăng do chênh giá giữ 9,35 UScent/kW so với 7,09 UScent/kW theo biểu giá).

>> Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm Bộ Công Thương về điện mặt trời

Hai dự án điện mặt trời được áp giá FIT không đúng đối tượng ở trong cùng hệ sinh thái

Trong số 14 dự án với tổng công suất 964 MW được áp giá FIT không đúng quy định, có dự án nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (40MW) và nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn (50MW). Chủ đầu tư 2 dự án này là CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 và CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 - đây là 2 chủ đầu tư trong cùng một hệ sinh thái của Công ty Hoàng Sơn.

CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 thành lập tháng 5/2018, vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thanh Thanh (sinh năm 1983) làm Giám đốc. Cơ cấu cổ đông gồm CTCP Đầu tư Năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn góp 90% và bà Nguyễn Thanh Thanh góp 10%.

Tháng 6/2018, công ty tăng vốn điều lệ lên 380 tỷ đồng, cùng với đó Công ty Hoàng Sơn nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên 92,105%. Tuy vậy tháng 1/2019, công ty bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống còn 50 tỷ đồng.

Tháng 6/2019, ông Nguyễn Thế Kiên (sinh năm 1998) lên làm Giám đốc. Cơ cấu sở hữu, ngoài Hoàng Sơn nắm 96% thì cổ đông còn lại là CTCP Đầu tư và phát triển Sunrise Power địa chỉ tại tòa nhà Bitexco. Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Thanh Bình.

Tháng 11/2019, Sunrise Power chuyển quyền sở hữu 4% sang CTCP BB Power Holdings, tăng vốn điều lệ gấp 8 lần, từ 50 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng và lên 410 tỷ đồng vào tháng 4/2020.

CTCP Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 thành lập tháng 10/2018 với vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm Công ty Hoàng Sơn sở hữu 97,22% và ông Nguyễn Nam Chung, Giám đốc, sở hữu 2,78%.

Tháng 3/2019, công ty tăng vốn lên 400 tỷ đồng, Công ty Hoàng Sơn nâng tỷ lệ sở hữu lên 98,75%. Tháng 4/2019, CTCP Đầu tư Năng Hoàng Sơn 2 nhận chuyển nhượng số cổ phần từ Công ty Hoàng Sơn.

htr
Ông Nguyễn Nam Chung

>> Một dự án điện mặt trời 60ha tại Đắc Lắk bị chuyển hồ sơ điều tra sang Bộ Công an

Hệ sinh thái Hoàng Sơn đứng sau chủ đầu tư 2 dự án điện mặt trời trên

Cả 2 công ty trong cùng hệ sinh thái của Hoàng Sơn, có cùng thời gian thành lập và có giai đoạn tăng vốn gần giống nhau.

Năng lượng Hoàng Sơn thành lập tháng 5/2007 do ông Nguyễn Nam Chung làm người đại diện theo pháp luật. Tuy vậy cơ cấu sở hữu ghi nhận ông Nguyễn Cao Sơn nắm giữ 86% vốn điều lệ; ông Nguyễn Nam Chung sở hữu 7,95%.

Dù ông Nguyễn Cao Sơn nắm cổ phần chi phối nhưng ông Nguyễn Nam Chung mới là người đứng tên Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Hoàng Sơn.

Hoàng Sơn là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng. Ngoài 2 dự án Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ nói trên, còn là chủ đầu tư dự án thủy điện Suối Nhạp A, dự án thủy điện Đồng Chum 2...

Ông Nguyễn Nam Chung, Công ty Hoàng Sơn còn liên quan đến các công ty khác trong hệ sinh thái như CTCP Thủy điện Bó Sinh, CTCP Du lịch Suối Hoa, CTCP Bất động sản STC Golden Land, Công ty TNHH Đô thị Nam Quảng Trường số 1 - số 3...

htr
Ông Vũ Quang Bảo, ông Nguyễn Nam Chung

>> Phó thủ tướng: Xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời

BB Power Holdings "lướt sóng" 2 dự án, trao tay nhà đầu tư Thái Lan

Tháng 6/2019, ông Đặng Thanh Bình lên làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thế Kiên lên làm Giám đốc và xuất hiện cổ đông Sunrise Power rồi đến BB Power Holdings, bà Vũ Thị Thu Hà, bà Vũ Thị Thu Hằng, hệ sinh thái Hoàng Sơn dần biến mất khỏi 2 dự án điện mặt trời Mỹ Sơn và Mỹ Sơn 1.

Tháng 10/2020, công ty cập nhật thay đổi thông tin, trong đó Công ty Hoàng Sơn giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 5% trong khi BB Group tăng tỷ lệ sở hữu lệ 20%; ngoài ra cá nhân bà Vũ Thị Thu Hà nắm 65% và sau đó nâng lên thành 70% vào tháng 12/2020; số còn lại do bà Vũ Thị Thu Hằng nắm giữ.

Ngay sau khi nắm 20% vốn cổ phần tại Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2, BB Power Holdings mang toàn bộ số cổ phần này thế chấp tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vào tháng 9/2021.

BB Power Holdings không chỉ mang cổ phần Mỹ Sơn, Mỹ Sơn 1 đi thế chấp, mới đây nhất tháng 8/2022 công ty mang 78,4 triệu cổ phần của Phong điện Gia Lai thế chấp ngân hàng MB (MBB); hay trước đó tháng 6/2022 công ty mang 38,6 triệu cổ phần của Năng lượng Phan Lâm đi thế chấp tại MB.

CTCP BB Power Holdings là một trong những thành viên trong hệ sinh thái BB Group của ông Vũ Quang Bảo kinh doanh thua lỗ triền miên. 3 năm gần đây tổng lỗ lên đến hơn 600 tỷ đồng. Không chỉ thế khoản nợ trái phiếu 400 tỷ đồng công ty còn nợ tiền lãi hơn 11,7 tỷ đồng chưa thể thu xếp được nguồn để trả.

Chỉ tiêu
31/12/2021
31/12/2022
30/6/2023
Vốn chủ sở hữu
3.442
2.992
2.423
Nợ phải trả
8.123
11.250
11.460
Nợ trái phiếu
516
508
400
Lợi nhuận sau thuế
-79
-152
-376

>> Profile ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương liên quan sai phạm tại Bộ Công Thương

Sau khi áp giá FIT 9,35 UScent/kW thành công, không lâu sau đó, tháng 4/2021 công ty có Chủ tịch HĐQT mới, người Thái Lan, bà Amarat Puvaveerain. Ông Đặng Thanh Bình giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc. Cơ cấu cổ đông cũng thay đổi, cổ đông Thái Lan BG Energy Solution Company Limited nắm 70%.

Quá trình "lướt sóng" 2 dự án nhà máy điện Mỹ Sơn và Mỹ Sơn 1 từ các công ty của ông lớn Hoàng Sơn sang BB Power Holdings và sang tay cổ đông Thái Lan diễn ra nhanh chóng, cùng kịch bản.

htr
Ảnh ông Vũ Quang Bảo - Tập đoàn BB Group

Hệ sinh thái BB Group và Bitexco

BB Power là thành viên của hệ sinh thái BB Group do ông Vũ Quang Bảo làm Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Thị Hoa là Tổng Giám đốc. Tháng 8/2021 công ty tăng vốn điều lệ gấp đôi, từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và tăng lên thành 3.000 tỷ đồng vào tháng 12/2021.

Hệ sinh thái BB Group gồm rất nhiều doanh nghiệp ngành năng lượng như thủy điện Đắk Psi, thủy điện Sông Lô, phong điện Gia Lai.

Ông Vũ Quang Bảo không chỉ là Chủ tịch của BB Group, còn là đại diện và nắm giữ nhiều vị trí trọng yếu trong các công ty trong hệ sinh thái Bitexco do em trai Vũ Quang Hội làm Chủ tịch HĐQT.

BB Group, Bitexco đầu tư và hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm năng lượng tái tạo, bất động sản, khai khoáng, công nghiệp khí, xây dựng, hàng tiêu dùng.

>> Cần đẩy nhanh triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII

Những dự án điện được Bộ Công Thương ưu ái giá, EVN phải 'gánh' cả nghìn tỷ đồng

Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm Bộ Công Thương về điện mặt trời

Profile ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương liên quan sai phạm tại Bộ Công Thương

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hai-du-an-dien-mat-troi-duoc-ap-gia-fit-khong-dung-quy-dinh-da-sang-tay-nha-dau-tu-thai-lan-217159.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hai dự án điện mặt trời được áp giá FIT không đúng quy định đã 'sang tay' nhà đầu tư Thái Lan
POWERED BY ONECMS & INTECH