Nơi đây được mệnh danh là “xứ sở mộng mơ”, đặc biệt quyến rũ du khách bằng vẻ thanh bình, nhịp sống chậm và các công trình kiến trúc cổ kính.
Mới đây, trang tin tức châu Á nổi tiếng CNA đã ca ngợi tỉnh Thừa Thiên Huế của Việt Nam có sự pha trộn độc đáo giữa lịch sử, kiến trúc trang nhã và ẩm thực hấp dẫn. Bài viết mô tả Huế đẹp như tranh vẽ bên bờ sông Hương êm đềm. Đây là Kinh đô của triều Nguyễn và trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1993.
Trái tim của Huế là Hoàng thành lộng lẫy với những bức tường hùng vĩ, cung điện trang trí công phu và những ngôi chùa đẹp như tranh bên bờ sông Hương. Được xây vào năm 1804, đây là nơi ở cuối cùng của hoàng gia Việt Nam.
Ngày nay, Huế không chỉ nổi tiếng là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm từ xưa để lại.
Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có tới 7 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới và Di sản Khu vực, trong đó có 5 di sản là của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa đã nhận xét rằng, Huế là một bài thơ kiệt tác về kiến trúc đô thị, là một thành phố độc quyền giữ trong mình những kho tàng vô giá, một nhà bảo tàng kì lạ của nền văn hoá vật chất và tinh thần của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Huế là nơi lưu giữ nhiều di chỉ, hiện vật cổ của nền văn hoá Chăm. Đây cũng là nơi có truyền thống cách mạng oanh liệt, còn giữ nhiều di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà cách mạng tiền bối và nhiều địa danh lịch sử về hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như chiến khu Dương Hoà, Hoà Mỹ, A Lưới, đường mòn Hồ Chí Minh…
Thành phố này cũng nổi tiếng với các sản phẩm làng nghề và lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội Cầu Ngư, điện Hòn Chén, hội đua thuyền sông Hương và đặc biệt là Festival Huế tổ chức định kỳ hai năm một lần, hội tụ những nét văn hóa tiêu biểu của Huế, Việt Nam và các nước, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và ngoài nước...
Một điểm thu hút mạnh mẽ khác của Huế là ẩm thực. Đây là nơi có những sáng tạo tinh tế không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác ở Việt Nam. Ẩm thực Huế độc đáo vì đây là vùng đất mà các vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn sinh sống.
Huế còn có ẩm thực đường phố phong phú với hơn 1.000 món ăn. Hương vị nổi bật là vị cay và đậm đà. Người Huế thường nấu với nhiều gia vị, hạt nêm nên món ăn đậm đà hơn. Món ăn du khách nhất định phải thử ở Huế là bún bò Huế, bánh khoái cá kình...
Chìa khóa để tận hưởng cuộc sống ở Huế là sống chậm và sống trong khoảnh khắc. Ở các thành phố khác, do tốc độ phát triển quá nhanh nên dễ có cảm giác lạc lõng nhưng ở Huế, du khách có thể tận hưởng cuộc sống chậm rãi.
Theo Quy hoạch chung được phê duyệt tháng 1/2024, đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu...
Đến năm 2045, Huế là thành phố mang đậm đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước, là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc….
Tầm nhìn đến năm 2065, tỉnh sẽ xây dựng và phát triển để Huế trở thành thành phố Festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới…
>> Cung điện triệu đô trong Đại nội Huế, là nơi vua Bảo Đại họp bàn thoái vị