Trong tháng 1/2022, xuất khẩu gỗ lần thứ ba vượt mốc 1,5 tỷ USD. Đây là một sự khởi động đầy ấn tượng cho ngành gỗ trong năm 2022.
Tin vui trong tháng đầu năm
Thông tin từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, ngay trong tháng đầu tiên năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt kim ngạch ở mức rất cao là 1,549 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2021. Trong lịch sử xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đây là lần thứ ba kim ngạch vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng.
Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng là vào tháng 3/2021, khi đạt 1,512 tỷ USD. Sau đó, do đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ tháng 4/2021 giảm rất mạnh xuống chỉ còn gần 700 triệu USD. Sang tháng 5/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hồi phục mạnh khi đạt 1,4 tỷ USD. Và tới tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần thứ hai vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng khi đạt 1,55 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong 1 tháng của ngành gỗ.
Sau khi đạt kỷ lục trong tháng 6/2021, cũng do dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ những tháng tiếp theo đã giảm xuống, có những tháng ở mức dưới 1 tỷ USD. Tới tận tháng 11/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mới trở lại mốc hơn 1 tỷ USD/tháng. Và đến tháng 1/2022 mới lại có lần thứ ba vượt mốc 1,5 tỷ USD. Đây là một sự khởi động đầy ấn tượng cho ngành gỗ trong năm 2022.
Với kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đã nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm và nằm trong "top 3" nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số (đứng thứ hai về tăng trưởng sau nhóm hàng dệt may). Điều này cho thấy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ngày càng đóng góp lớn hơn vào xuất khẩu chung của cả nước.
Áp sát mốc 20 tỷ USD
Sau khi bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch COVID-19, thị trường nội ngoại thất toàn cầu đã phục hồi từ cuối năm 2021 và đang có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh bởi người tiêu dùng ở nhiều quốc gia làm việc tại nhà nhiều hơn trước.
Theo Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), đến hết năm 2021, tổng giá trị sản xuất hàng nội ngoại thất trên thế giới đã đạt 500 tỷ USD, mà 1/3 trong đó là giành cho xuất khẩu. Như vậy, giá trị xuất khẩu nội ngoại thất trên toàn cầu hiện rất lớn, đạt khoảng 170 tỷ USD.
Thị trường thế giới vẫn đang rất rộng mở cho ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang còn nhiều dư địa để đẩy mạnh tăng trưởng, khi mà tại một số thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới, thị phần của Việt Nam còn khiêm tốn.
Cụ thể, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, 10 tháng đầu năm 2021, EU nhập khẩu gần 21 tỷ USD đồ nội thất bằng gỗ. Trong đó, đồ nội thất nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm thị phần khiêm tốn là 2,4%. Tại một thị trường hàng đầu thế giới khác là Anh, đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 7,5% tổng trị giá nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2021.
Tính chung thị trường xuất nhập khẩu đồ nội ngoại thất toàn cầu, trị giá xuất khẩu của Việt Nam cũng mới chỉ chiếm khoảng 6%.
Những tháng đầu năm 2022, nhiều đối tác cung ứng đồ nội thất bằng gỗ cho EU vẫn đang phải chống chọi với dịch COVID-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao làm hạn chế nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ cho thị trường này.
Vì vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại để nâng cao thị phần xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường EU trong năm 2022 và những năm tới.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, nhiều chuyên gia ngành gỗ cho rằng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm nay sẽ đạt được mục tiêu 16,5 tỷ USD mà Chính phủ đã giao. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm nay có thể đạt 17,5-18 tỷ USD.
'Người Thái' rót hơn 100 triệu USD vào 10 dự án ở Bình Định
Cảnh báo 'thẻ vàng IUU' - Cú sốc lớn với ngành thủy sản Việt Nam