Tính riêng tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 22,95 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu tăng trưởng hơn 10%
Theo Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính tháng 02/2022 đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến kim ngạch hàng hóa có sự sụt giảm là do tháng 2 cả nước có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán tương đối dài.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.Trong thành tích chung về xuất khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm, mặc dù chỉ chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, song khu vực kinh tế trong nước đã có tăng trưởng lên đến 24,1% trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 14,29 tỷ USD.
Về các nhóm hàng xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2022 có đến 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện nay nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp da giày ở khu vực phía Nam khá tốt. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng XK ít nhất đến hết quý 2/2022, là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hoặc với mặt hàng tôm, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 1/2022 đạt trên 313 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều tăng trưởng khả quan. Nguyên nhân doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đã ký cuối năm 2021. Lượng đơn hàng trong tháng thứ 2 cũng tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, tâm lý công nhân ổn định, tinh thần khách hàng tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong tình hình mới là sống chung với COVID-19 nên đây cũng là những tín hiệu đáng lạc quan cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay.
Về thị trường, trong 2 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu tập trung vào các mặt hàng tư liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Với quy mô xuất nhập khẩu như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng Hai ước tính nhập siêu 2,34 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các FTA
Để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trong đó, cần tập trung tận dụng các cơ hội của các FTA quan trọng như: EVFTA, CPTPP, RCEP… đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Tập trung phát triển xuất khẩu sang các khu vực thị trường và mặt hàng xuất khẩu mới, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng số. Chú trọng quản lý nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu biên mậu và nhập khẩu hàng hoá không thiết yếu, trong nước sản xuất được để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA…); Khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu thời kỳ 2021-2030.
Riêng với hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng về việc tạo thuận lợi để thông quan hàng hóa, Bộ Công Thương liên tục cảnh báo, việc mở cửa khẩu đã khó, giữ được cửa khẩu còn khó hơn. Do đó, Bộ Công Thương đang kiên định khuyến cáo các thương lái, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn” để giữ được cửa khẩu.
Theo đó, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài cần tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.
Kỳ vọng vận tải đường sắt thay thế đường biển trong xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu
10 quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng đầu là một đại diện châu Á