Xuất khẩu lao động ‘về đích’ sớm
Trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp động đạt kết quả tích cực, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (38.816 lao động nữ) đạt 101,37% kế hoạch năm 2023.
Với tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 người, xuất khẩu lao động đã "cán đích" sớm mục tiêu của cả năm 2023 là đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong 9 tháng, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động).
Trong 9 tháng năm 2023, Nhật Bản là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 55.690 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 46.166 lao động, Hàn Quốc 2.449 lao động, Trung Quốc 1.361 lao động, Hungary: 1.148 lao động, Singapore 1015 lao động, Romania 705 lao động, Ba Lan 651 lao động, Saudi Arabia 205 lao động và các thị trường khác.
Với sự gia tăng về số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Việt Nam hiện là quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động sang Nhật Bản. Tính đến tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người.
Chương trình hợp tác lao động Việt Nam, Nhật Bản luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Chính phủ và nhân dân hai nước. Các nỗ lực triển khai hiệu quả chương trình hợp tác đã mở ra cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam có trình độ sang làm việc tại Nhật Bản. Đến nay, Nhật Bản đã mở rộng thêm 9 lĩnh vực ngành nghề cho lao động Việt Nam sang làm việc tư cách lưu trú kỹ năng đặc định.
Mở rộng các thị trường xuất khẩu lao động mới
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, điểm sáng của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng năm 2023 là việc tăng cường, mở cửa thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu.
Thị trường nổi bật là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và đã lên tới 1.148 lao động chỉ trong 9 tháng năm 2023.
Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như: Ba Lan, Slovakia, Croatia...
Một thị trường khác trong khu vực châu Âu cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc là Hy Lạp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp trong ngành nông nghiệp.
Người đi xuất khẩu lao động được tính lương hưu thế nào?
Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản đã lên đến hơn 600.000 người