Trong tháng 11, các nhóm hàng nông sản, lâm thuỷ sản xuất khẩu đều tăng trưởng dương. Hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh giúp ngành nông nghiệp thu về 47,84 tỷ USD.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong tháng 11/2023, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 4,79 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng 10/2023 và tăng 13% so với tháng 11/2022.
Đáng nói, tất cả các nhóm hàng đều tăng trưởng dương so với tháng 11/2022. Cụ thể, xuất khẩu nông sản đạt 2,49 tỷ USD, tăng 24,7%; chăn nuôi đạt 41 triệu USD, tăng 9,7%; lâm sản 1,29 tỷ đạt USD, tăng 2,8%; thủy sản 800 triệu USD, tăng 1,4%...
Luỹ kế 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 47,84 tỷ USD, giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thuỷ sản 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%; lâm sản 13,02 tỷ USD, giảm 17%; đầu vào sản xuất 1,82 tỷ USD, giảm 17,8%.
Riêng nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu rau quả 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; gạo 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%; sản phẩm từ ngũ cốc 1,08 tỷ USD, tăng 5,4%. Sản phẩm chăn nuôi 453 triệu USD, tăng 23,5%.
Đến nay, ngày nông nghiệp có 6 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính tăng mạnh như: Giá gạo 568 USD/tấn, tăng 17,3%; chè 1.750 USD/tấn, tăng 8,7%, cà phê 2.570 USD/tấn, tăng 11,9%.
Về thị trường, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Theo đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18%, chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp; xuất khẩu sang Mỹ giảm 17,9%, chiếm 20,6%; xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 9,1%, chiếm tỷ trọng 7,4%.
Trong 11 tháng năm 2023, ngành nông nghiệp xuất siêu 10,55 tỷ USD tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 12, Bộ NN-PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...
Cùng với đó, tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Giảm ăn hàng Thái, chỉ 1 tháng Trung Quốc vung 16.000 tỷ mua ‘vua trái cây Việt’
Việt Nam chi gần 20.000 tỷ nhập về ăn, tiết lộ sốc giá trái cây Trung Quốc