Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam, đó là: xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt.
Giải thích việc nhiều trái cây phải xuất qua đường tiểu ngạch, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam, đó là: xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt.
Theo đó, chỉ 9 loại trái cây trên mới được nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, những loại trái cây không nằm trong danh mục trên buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ, trong đó có cửa khẩu Tân Thanh. Nhưng nếu phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát, thời gian thông quan lâu hơn thì con số trên sẽ giảm xuống. Hoặc nếu đến mùa thu hoạch tái cây của Việt Nam, lượng xe dồn lên cửa khẩu bất thường đến cả nghìn xe bị ùn ứ, phải mất cả tuần đến nửa tháng để giải phóng hết xe.
Lý giải vì sao chỉ ùn ứ hàng nông sản, chủ yếu là trái cây, Phó Cục trưởng Cục XNK cho biết, trái cây đem lên biên giới phía Bắc chủ yếu là dưa hấu, thanh long, xoài, mít, vú sữa, sầu riêng... đều là những thứ quả trồng ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào. Các loại trái cây này đều trồng ở các hộ gia đình, nhà vườn, sau đó thuê xe chở lên biên giới, hoặc bán cho thương lái thu gom và thương lái chở lên biên giới.
“Gọi là xuất khẩu, nhưng hình thức bán hàng cũng giống như ở chợ huyện. Xuất khẩu mà chưa biết người mua hàng bên kia biên giới là ai. Một xe chở dưa hấu khi sang đến cửa khẩu Tân Thanh sẽ được thương lái Trung Quốc đến xem, mặc cả, lựa ra những quả còn tốt thì lấy, quả nào không đảm bảo thì vứt lại...
Cách mua bán bấp bênh như thế, nhiều yếu tố rủi ro như thế nên những lúc vào mùa trái cây chín rộ thì lượng trái cây đưa lên dồn dập, trong khi năng lực thông quan tại cửa khẩu không đáp ứng nổi, gây nên hiện tượng ùn tắc, người dân Lạng Sơn lại ngậm ngùi chứng kiến những dòng xe xếp hàng dài trên đường vào cửa khẩu, đỗ tràn cả ra đến đường quốc lộ”, ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, để giải quyết tình trạng trên, một mặt vận động, tập huấn cho người nông dân, thương lái (thực chất là doanh nghiệp nhỏ) thiết lập quan hệ khách hàng lâu dài với đối tác bên kia bên giới, mặt khác rất cần có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm.
Từ đó, nông dân khôn phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng, doanh nghiệp cũng có thể đưa hoạt động xuất khẩu trái cây vào nề nếp.
Thực chất hiện nay những doanh nghiệp như vậy đã có, nhưng số lượng chưa nhiều. Trong khi chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn thêm và nhiều lên, ông Hải cho rằng rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ nông dân, thương lái.
Ngoài ra, bên cạnh việc đầu tư mở rộng hạ tầng cửa khẩu, cần phải giảm tải cho cửa khẩu bằng việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics lùi vào trong nội địa. Các trung tâm logistics này không chỉ có kho mát, kho lạnh để bảo quản, sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu mà còn là địa điểm kiểm tra, thông quan hàng hóa.
Hàng sau khi thông quan chỉ việc niêm phong, đưa lên cửa khẩu để xuất qua biên giới, giảm bớt thời gian, quy trình làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Lạng Sơn, tính đến sáng 28/12, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 3.838 xe. Trong đó lượng xe còn tồn tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là 1.424 xe, mặt hàng tồn chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử,...; Tại khu vực cửa khẩu Chi Ma là 625 xe, mặt hàng tồn chủ yếu: tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây, cau khô, nhựa thông, phế liệu kén tằm,..; tại cửa khẩu phụ Tân Thanh là 1.789 xe, mặt hàng tồn chủ yếu: dưa hấu (tỉnh Quảng Ngãi), thanh long (tỉnh Bình Thuận), chuối xanh (tỉnh Tiền Giang), mít (tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang), xoài (tỉnh Bình Định).