Thị trường

Xung đột Ấn Độ - Pakistan thổi bùng lo ngại khủng hoảng gạo toàn cầu, cơ hội và thách thức của Việt Nam?

Bá Huy 13/05/2025 - 10:20

Hiện tại, giá gạo toàn cầu đang dao động ở mức 390 USD/tấn và có xu hướng tăng do tác động từ bất ổn địa chính trị.

Cuộc xung đột vũ trang bùng phát giữa Ấn Độ và Pakistan đang đặt ngành lương thực toàn cầu, đặc biệt là thị trường gạo châu Á, trước nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung. Các chuyên gia cảnh báo nếu tình hình leo thang, giá gạo thế giới có thể tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia phụ thuộc nhập khẩu như Malaysia, Singapore, Indonesia và cả Việt Nam.

Ngày 7/5, Ấn Độ tiến hành không kích và phóng tên lửa vào lãnh thổ Pakistan nhằm đáp trả vụ tấn công vào du khách tại khu vực Kashmir. Pakistan nhanh chóng đáp trả vào rạng sáng 8/5, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu kéo dài giữa hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Dù đến ngày 11/5, hai bên đã tuyên bố đồng ý ngừng bắn, nhưng nhiều vụ nổ vẫn tiếp tục vang lên ở khu vực biên giới, trong bối cảnh Ấn Độ cáo buộc Pakistan vi phạm thỏa thuận.

Căng thẳng giữa hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn hàng đầu thế giới – Ấn Độ (số 1) và Pakistan (số 4) – đang khiến chuỗi cung ứng lương thực khu vực và toàn cầu rơi vào tình trạng báo động.

Lo ngại lan rộng tại Đông Nam Á

Phát biểu ngày 8/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, ông Mohamad Sabu, khẳng định: “Sự ổn định của Ấn Độ và Pakistan là yếu tố then chốt với an ninh lương thực Malaysia. Nếu chiến sự ảnh hưởng đến hoạt động cảng biển hoặc chuỗi cung ứng, việc nhập khẩu gạo có thể bị gián đoạn nghiêm trọng”.

Malaysia hiện chỉ tự cung cấp được khoảng 50% nhu cầu gạo nội địa – nơi mỗi người tiêu thụ hơn 120 kg gạo mỗi năm. Phần còn lại chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Trong cùng ngày, Thứ trưởng Bộ này – ông Arthur Joseph Kurup – cảnh báo: “Chúng tôi có dự trữ gạo cho hơn 6 tháng, nhưng nếu nguồn cung bị gián đoạn, giá cả và khả năng tiếp cận gạo sẽ bị ảnh hưởng. Thị trường gạo toàn cầu rất nhạy cảm với biến động chính trị, và xung đột tại Nam Á có thể kích hoạt một chuỗi khủng hoảng mới”.

Xung đột Ấn Độ - Pakistan thổi bùng lo ngại khủng hoảng gạo toàn cầu, cơ hội và thách thức của Việt Nam?
Thị trường gạo Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định nhờ vào nguồn cung dồi dào và chính sách điều tiết giá linh hoạt. Ảnh minh hoạ

>> Hàng loạt đơn hàng bị hoãn, một loại thuỷ sản Trung Quốc đang 'chết dần' trên đất Mỹ

Ông Kurup cũng nhấn mạnh chính sách định giá thấp của Ấn Độ trong vài năm qua đã gây sức ép lớn lên thị trường gạo quốc tế, buộc các nước xuất khẩu cạnh tranh như Việt Nam và Thái Lan phải hạ giá. Thống kê cho thấy, trong quý I, xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm đến 1/3, xuống còn 2,1 triệu tấn, còn Việt Nam được dự báo giảm 17% trong năm nay.

Hiện tại, giá gạo toàn cầu đang dao động ở mức 390 USD/tấn và có xu hướng tăng do tác động từ bất ổn địa chính trị. “Nếu Ấn Độ rút khỏi thị trường hoặc siết chặt xuất khẩu, cấu trúc thị trường sẽ đảo lộn hoàn toàn. Các quốc gia phụ thuộc như Malaysia sẽ phải trả giá cao hơn cho cùng một lượng hàng – hoặc tệ hơn, không đảm bảo được nguồn cung”, ông Kurup cảnh báo.

Việt Nam giữ thế ổn định, nhưng không chủ quan

Trước những diễn biến phức tạp tại Nam Á, thị trường gạo Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định nhờ vào nguồn cung dồi dào và chính sách điều tiết giá linh hoạt.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức khoảng 398 USD/tấn – cao hơn Ấn Độ nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan. VFA cho biết giá có biến động nhẹ theo xu hướng khu vực nhưng thị trường hiện vẫn trầm lắng sau kỳ nghỉ lễ, với nhu cầu từ các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia chưa thực sự tăng mạnh.

“Chúng tôi đang theo sát diễn biến giữa Ấn Độ và Pakistan để có phương án phản ứng linh hoạt, cả về giá và điều phối đơn hàng”, đại diện VFA cho biết.

Tại các tỉnh sản xuất lúa trọng điểm như An Giang, Cần Thơ (ĐBSCL), giá lúa nguyên liệu có xu hướng nhích nhẹ do xuất khẩu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bắt đầu tăng mua dự trữ, đón đầu khả năng nhu cầu từ các nước nhập khẩu tăng cao.

Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ các loại gạo như gạo trắng, Jasmine, gạo nếp vẫn giữ ổn định. Người tiêu dùng chưa ghi nhận tình trạng thiếu hàng hay đầu cơ, một phần nhờ nguồn cung ổn định và sự kiểm soát sát sao từ các cơ quan chức năng.

Bối cảnh căng thẳng ở Nam Á mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho ngành gạo Việt Nam. Trong khi giá gạo thế giới có xu hướng tăng và tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu, thì rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng, cạnh tranh giá và biến động chính trị vẫn luôn hiện hữu.

Giới chuyên gia nhận định, đây là lúc Việt Nam cần đẩy mạnh nâng cao năng lực chế biến, bảo quản sau thu hoạch, mở rộng thị trường và tăng cường các biện pháp điều tiết xuất khẩu – nhằm đảm bảo lợi ích dài hạn và ổn định an ninh lương thực trong nước.

>> Một 'mỏ vàng' đắt đỏ của Việt Nam được Mỹ, Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng: Thu về 510,6 triệu USD kể từ đầu năm

An ninh lương thực châu Á bị đe dọa, gạo Việt đứng giữa 'tâm bão'

Giá gạo tăng vọt vì chiến sự Ấn Độ - Pakistan, Đông Nam Á lo cháy hàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xung-dot-an-do-pakistan-thoi-bung-lo-ngai-khung-hoang-gao-toan-cau-co-hoi-va-thach-thuc-cua-viet-nam-289501.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xung đột Ấn Độ - Pakistan thổi bùng lo ngại khủng hoảng gạo toàn cầu, cơ hội và thách thức của Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH