Ý nghĩa chuyến công tác dự WEF và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai trả lời phỏng vấn báo giới về mục đích, ý nghĩa chuyến công tác dự WEF tại Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24-27/6.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã trả lời phỏng vấn báo chí về mục đích, ý nghĩa chuyến công tác dự WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa chuyến công tác dự WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?
Đại sứ Phạm Sao Mai: Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 đến 27/6/2024.
WEF Đại Liên năm nay là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thu hút hơn 1.500 đại biểu tham dự, trong đó có Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda cùng gần 100 lãnh đạo và đại diện các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và Trung Quốc. Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hai năm liên tiếp được mời tham dự Hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực. Tôi cho rằng chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần này mang một số ý nghĩa quan trọng sau:
Thứ nhất, thông qua các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo, giới hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, sự tham dự WEF của Thủ tướng Chính phủ mở ra cơ hội giao thoa, hội nhập cho kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, là dịp để Việt Nam giới thiệu ra thế giới những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội nổi bật thời gian qua, thể hiện hình ảnh một Việt Nam năng động, tích cực hội nhập, tự tin và nhiều sức hút đối với các tập đoàn toàn cầu, qua đó thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, thu hút nguồn lực để phát triển đất nước.
Thứ hai, thông qua Hội nghị lần này, Việt Nam có thể nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới; cùng các bên trao đổi về tư duy phát triển, quản trị ở cấp độ quốc gia và toàn cầu; đóng góp vào xử lý các vấn đề chung của thế giới như thúc đẩy tăng trưởng, phát triển các ngành công nghiệp mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực...
Thứ ba, đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước, các đối tác, các tổ chức quốc tế, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của đất nước, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Thứ tư, sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác với WEF theo hướng ngày càng thực chất trên cơ sở Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp là thành viên của WEF trên các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, năng lượng và khoa học-công nghệ.
Bối cảnh và chương trình nghị sự của WEF Đại Liên năm nay có gì đặc biệt? Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ tham gia, đóng góp như thế nào tại Hội nghị lần này?
Đại sứ Phạm Sao Mai: Hội nghị WEF Đại Liên diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng phục hồi chậm. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là điểm sáng năng động trong bức tranh kinh tế thế giới với kỳ vọng thúc đẩy 2/3 tổng tăng trưởng toàn cầu, song vẫn đứng trước một số rủi ro do sự phân mảnh của kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng và những căng thẳng về địa chính trị, cạnh tranh nước lớn.
Chủ đề WEF năm nay là “Những chân trời tăng trưởng mới” với trọng tâm trao đổi, tìm kiếm hướng đi cho các động lực tăng trưởng mới, các ngành công nghiệp mới, phát huy vai trò của doanh nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như chung tay ứng phó biến đổi khí hậu. Dự kiến 6 chủ đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị bao gồm: xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới; tinh thần kinh doanh trong thời đại AI; kết nối giữa khí hậu, thiên nhiên và năng lượng; các lĩnh vực tiên phong cho các ngành công nghiệp; Trung Quốc và thế giới; đầu tư vào con người.
Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Việt Nam sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc toàn thể; chủ trì một số phiên thảo luận, đối thoại với các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về các vấn đề như cơ hội hợp tác, giải pháp mới cho các vấn đề phát triển toàn cầu và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn lớn. Tôi tin tưởng rằng, sự tham gia và đóng góp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ góp phần rất quan trọng cho thành công chung của Hội nghị, thể hiện trên một số phương diện như sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, Thủ tướng Chính phủ sẽ chia sẻ những đánh giá, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thách thức, xu hướng điều chỉnh và các mô hình mới tác động đến kinh tế thế giới trong ngắn hạn và dài hạn.
Thứ hai, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ nhấn mạnh những tiềm năng, thế mạnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như của Việt Nam. Qua đó, khẳng định vai trò của khu vực là động lực thúc đẩy tăng trưởng, củng cố các liên kết thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, giúp phục hồi tăng trưởng, tăng cường tính chống chịu của kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất các giải pháp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công-tư trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế, tận dụng các cơ hội, tiềm năng hiện có, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ tư, thông qua Hội nghị quan trọng này, Thủ tướng sẽ chia sẻ kinh nghiệm và đề cao thành quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, truyền tải thông điệp về chủ trương, định hướng, mô hình phát triển của Việt Nam để từ đó kêu gọi WEF, các Chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu tăng cường hợp tác chiến lược, đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong các ngành nghề ưu tiên cao, mới nổi và có tác động lan tỏa nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.
Đại sứ kỳ vọng gì vào kết quả đạt được trên bình diện song phương trong chuyến công tác dự WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Việt Nam và Trung Quốc đang hướng tới dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau, theo Đại sứ, hai bên cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước?
Đại sứ Phạm Sao Mai: Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và tham dự Hội nghị WEF tại Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước đang phát triển sâu sắc, thực chất và toàn diện như hiện nay, chuyến công tác dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.
Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ song phương, là dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025). Thời gian qua, dưới sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt - Trung duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả tích cực. Sau hai chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), hai Đảng, hai nước đã xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ Việt - Trung, thời gian tới, hai nước cần duy trì sự phối hợp chặt chẽ ở các cấp, các kênh, trong mọi lĩnh vực, tăng cường rà soát, đánh giá tình hình triển khai nhận thức chung mà Lãnh đạo cao nhất hai Đảng đạt được, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, góp phần cụ thể hóa các thành quả, nội hàm, thực hiện việc đưa quan hệ hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới với: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Tôi tin tưởng vững chắc rằng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.