Yêu nước không phải là trend, thế hệ trẻ thấm đẫm tình yêu nước: Cô gái Điện Biên dành 4 tháng luyện tập như trong quân đội gây sốt gần ngày lễ 30/4
Tuổi thơ của Thu Hằng được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện lịch sử hào hùng, bằng niềm tự hào thấm đẫm từ trong từng hơi thở. Tuy gia đình Hằng làm kinh doanh, không ai làm trong quân đội, nhưng hình ảnh những người lính vẫn luôn là biểu tượng khiến cô nàng 25 tuổi thầm kính trọng và biết ơn.
Trong không khí cả nước đang rạo rực chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người trẻ liên tục có những hành động thể hiện tình yêu nước vô cùng ý nghĩa. Trong đó, cô gái đến từ Điện Biên - Nguyễn Thu Hằng (25 tuổi, đang sinh sống ở TP.HCM) khiến nhiều người khâm phục và ngưỡng mộ khi có được trải nghiệm tuyệt vời ngay trong dịp lễ đặc biệt này. Theo đó, Thu Hằng đã dành 4 tháng luyện tập như trong quân đội để được ngắm nhìn đất nước từ trên cao.

Vốn là người ưa xê dịch, từng 2 lần xuyên Việt một mình bằng xe máy, trekking 9 đỉnh núi Tây Bắc nên khi vô tình đọc được một bài đăng của CLB Hàng không phía Nam về bộ môn nhảy dù, Thu Hằng quyết định đăng ký tham gia chỉ sau 15 phút đọc thông tin, xem hình ảnh. Tháng 11/2024, Thu Hằng trở thành học viên khóa K24 của CLB.
"Trước khi biết đến với bộ môn nhảy dù, mình đã trải qua 2 lần xuyên Việt một mình bằng xe máy rong ruổi khắp Việt Nam, mỗi lần đều hơn 1 tháng, lần đầu tiên vào tháng 7/2023 khi 23 tuổi và lần thứ 2 vào tháng 8/2024, thời điểm mình quyết định chuyển công tác từ Hà Nội vào TP.HCM. Thời gian còn ở miền Bắc, khoảng 4 tháng cuối năm 2023 đầu năm 2024, mình cũng đã trekking 9 đỉnh núi Tây Bắc nằm trong top cao nhất Việt Nam.

Sau khi di chuyển tới TP.HCM, khoảng tháng 9, mình tình cờ nhìn thấy bài đăng trên Facebook của CLB Hàng không phía Nam về bộ môn nhảy dù, bất giác lúc đó mình nghĩ dù gì cũng đã lên rừng leo núi, xuống biển đi lặn chỉ còn thiếu bay lượn trên bầu trời nữa thôi là có một tuổi trẻ trọn vẹn. Chỉ mất khoảng 15 phút đọc thông tin, xem các hình ảnh, mình đã quyết định đăng ký khóa học luôn. Mình cảm thấy cực kỳ may mắn vì chỉ vừa mới đặt chân tới TP.HCM đã có cơ hội tham gia bộ môn này luôn, có những anh/chị trong lớp em đăng ký cả 4, 5 hoặc cao nhất là 8 năm mới trúng tuyển bởi số lượng học viên các thầy nhận dạy rất hạn chế để đảm bảo chất lượng đầu ra", Thu Hằng nói.
Để tham gia khóa huấn luyện này, Thu Hằng cũng phải đánh đổi khá nhiều. Đầu tiên, cô cần theo dõi và điền thông tin đăng ký học. Nếu trúng tuyển, các thầy sẽ tự liên hệ và trao đổi. Mọi người có thể theo học ở CLB hàng không phía Nam (TP.HCM) hoặc CLB hàng không phía Bắc (HN). Vì những yêu cầu khá cao về thể chất, lý lịch tư pháp tốt và số lượng học viên có hạn nên không phải ai đăng ký cũng được trúng tuyển.

Để tham gia khóa học này, mọi người chuẩn bị chi phí khoảng 15 triệu sẽ được phát một bộ đồng phục, chưa tính chi phí di chuyển tự túc đến các sân bay như Tuy Hòa (Phú Yên), Chu Lai (Quảng Nam), Biên Hòa (Đồng Nai), ăn ở trong những ngày nhảy ở đó.
Lịch học vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần từ 8h sáng tới 5h chiều, học viên phải đi học đủ số buổi lý thuyết tối thiểu và tập luyện các động tác đúng kỹ thuật, xử lý tốt các tình huống bất trắc mới được tham gia thực hành nhảy ở các sân bay quân sự.
Trong quá trình học, Thu Hằng và các học viên khác đã được các thầy phổ biến về kế hoạch nhảy ở các sân bay: Tuy Hòa tháng 3, Chu Lai tháng 4 và Biên Hòa tháng 5, tuy nhiên, lịch học này sẽ thay đổi theo từng năm: "Thông thường, theo kế hoạch các năm trước các thầy báo lại sẽ rơi vào khoảng giữa tháng 3 tới cuối tháng 3 và sinh nhật mình vào ngày 27/3 (cuối tháng), vì vậy, mình có niềm tin có thể hoàn thành việc nhảy dù trong tháng 3 để kịp có "video flex" trong ngày sinh nhật", Hằng tự hào nói.

Sau những tháng ngày rèn luyện trong môi trường như quân đội, Thu Hằng càng thêm ngưỡng mộ những người lính. Cô nàng hào hứng chia sẻ rằng luôn dành một sự khâm phục sâu sắc cho quân đội, điều này không chỉ bởi lòng yêu nước trong tim mà còn bởi là cô gái sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, nơi từng chứng kiến những trang sử chói lọi của dân tộc. Tuổi thơ của Thu Hằng được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện lịch sử hào hùng, bằng niềm tự hào thấm đẫm từ trong từng hơi thở. Tuy gia đình Hằng làm kinh doanh, không ai làm trong quân đội, nhưng hình ảnh những người lính vẫn luôn là biểu tượng khiến cô nàng 25 tuổi thầm kính trọng và biết ơn.

Để có tên trong danh sách học viên nhảy dù đợt đầu tiên tại sân bay Tuy Hòa, Thu Hằng đã không ít lần "out top" vì số lượng các suất học luôn giới hạn, ưu tiên cho học viên khóa trước. Là học viên khóa 24, cô nàng được nhảy cùng các anh chị khóa 23 – một cơ hội quý giá mà Hằng đã kiên trì nỗ lực từ những ngày đầu tiên để có được. Biết lịch nhảy rơi gần dịp sinh nhật, cô nàng càng quyết tâm gấp bội.
"Có lần, mình bị loại khỏi danh sách, buồn lắm. Nhưng sau đó, như một món quà từ sự cố gắng không ngừng, mình lại được gọi tên. Mình rất biết ơn thầy cô, biết ơn những anh chị đã tạo điều kiện để mình được trải nghiệm và có thể chia sẻ video nhảy dù vào đúng ngày sinh nhật – khoảnh khắc không thể nào quên.
Trên trực thăng, tim mình đập nhanh, tay lạnh buốt vì hồi hộp. Thế nhưng mình tự nhủ: "Hằng à, mình làm được!" Và rồi… ba giây rời khỏi cửa máy bay là ba giây đắt giá nhất cuộc đời mình. Rơi tự do, nhào lộn giữa không trung, gió rít bên tai và cả một tiếng hét vỡ òa trong khoảnh khắc dù chưa kịp bung. Mọi người vẫn hay đùa rằng ba giây ấy… đáng giá 15 triệu và quả thật – cảm giác ấy khiến người ta muốn quay lại thêm lần nữa, chỉ để sống lại khoảnh khắc lơ lửng giữa trời cao", Thu Hằng không giấu được xúc động khi kể lại khoảnh khắc ngắm nhìn đất nước từ trên cao.

Đến giờ, cô nàng vẫn không thể nào quên được khoảnh khắc ấy: "Khi dù bung và mình ổn định được tư thế, mình đã hét lên đầy xúc động: "Hằng làm được rồi!". Nhìn xuống Tuy Hòa một bên là biển xanh, bên là cánh đồng mướt mát nối dài tận chân trời, xen lẫn những chiếc dù trắng như hoa trời bung nở, mình thầm biết mình đang sống một giấc mơ. Giấc mơ có thật.
Sau một vòng thả hồn vào cảnh sắc, mình quay trở lại nhiệm vụ: tính toán độ cao, hướng gió, điều khiển lái dù về tâm và tiếp đất. Tất cả an toàn. Mình nằm dài trên thảm cỏ xanh, ngắm bầu trời và những "đồng chí" hoa trắng khác, lòng trào dâng niềm tự hào. Lúc đó, mình chỉ muốn gọi ngay cho người thân để khoe: “Con làm được rồi!”".

Đặc biệt, gần dịp lễ 30/4, trải nghiệm ấy khiến Thu Hằng càng xúc động hơn. Để có ngày hôm nay, Hằng đã từ bỏ những ngày ngủ nướng cuối tuần, những cuộc hẹn hò, cà phê hay la cà phố xá. Bốn tháng ròng cô chỉ có học và rèn luyện, dù nắng nóng, mệt mỏi nhưng chưa một lần mình nghĩ đến việc bỏ cuộc: "Bởi mình hiểu, mình không chỉ đang chinh phục bầu trời – mà còn đang chiến thắng chính mình. "Thu Hằng làm được!". Niềm vui, sự tự hào, xúc động hòa quyện trong từng bước chân em khi đặt lên mặt đất sau cú nhảy. Có thể, với mình, nhảy dù là một trải nghiệm. Nhưng với những chiến sĩ học viên quân đội nhảy cùng mình hôm đó, nó là một bài huấn luyện, một nhiệm vụ họ phải hoàn thành trong hành trình bảo vệ Tổ quốc. Họ mạnh mẽ, gan góc, kiên định nhưng cũng đầy nhiệt huyết và lãng mạn. Mình vẫn nhớ ánh mắt họ, những nụ cười, cái đấm tay, cái bắt tay “chúc mừng đồng chí nhé!”, “cảnh đẹp nhỉ”, “đẹp chứ!” – tất cả như một thước phim sống động trong mình".
Hiện tại, Thu Hằng đang ở TP. HCM, nơi dịp lễ 30/4 này có rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Cô nàng cho biết cảm thấy may mắn vì được hòa mình vào không khí sôi động của thành phố và cùng bạn bè tham gia Đêm trình diễn Mapping 3D: “Đất nước trọn niềm vui” tại Dinh Độc Lập, xem diễu binh, pháo hoa, check-in tại các địa điểm gắn biển kỷ niệm 30/4...
"Sắp tới, mình sẽ cùng người bạn thân đi chụp ảnh khắp nơi để lưu giữ những khoảnh khắc thiêng liêng, hào hùng của lịch sử dân tộc qua từng thước phim, bức hình", cô nàng vui vẻ nói.
>> Người trả về khuôn mặt cho hơn 7.000 anh hùng liệt sĩ, giúp người đã khuất ‘đoàn tụ’ với gia đình