Cụ ông 104 tuổi đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia: 'Động cơ căn bản nhất của tôi là yêu nước'
20 năm miệt mài viết bộ tác phẩm có giá trị lịch sử, giành giải A - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7, theo nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư, động cơ căn bản nhất của ông là yêu nước.
Nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư vừa nhận giải A - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 cho bộ tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020). Trước đó, năm 2018, ông từng nhận giải A - Giải thưởng Sách Quốc gia với bộ tác phẩm Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ, lao động chữ nghĩa dù vất vả, nhưng tác phẩm được công chúng đón nhận, đánh giá cao là niềm vui. Vì thế, dù tuổi cao, ông vẫn đi tàu hoả từ TPHCM ra Hà Nội trước 1 ngày để nhận giải thưởng.
Tôi vui sướng hết sức!
- Cảm xúc của ông như thế nào khi lần thứ 2 giành giải A - Giải thưởng Sách Quốc gia?
Tôi sung sướng hết sức! Công trình tôi bỏ công sức làm ngày làm đêm, vất vả đơn sơ, đạm bạc, không có sự cộng tác của ai, tự tìm tài liệu, tự viết… được đánh giá có chất lượng trong nền sử học Việt Nam thì không còn niềm vui nào hơn!
- Một mình viết tác phẩm, ông gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Bộ sách này tôi viết qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, khi nghe báo chí đưa tin TPHCM sẽ tổ chức kỷ niệm 300 năm thành lập. Thời điểm đó, hầu như chưa có công trình bao quát về lịch sử vùng đất này.
Ngày kỷ niệm sắp đến nơi rồi, tôi sốt ruột quá nên làm một đề cương về lịch sử thành phố trong 300 năm. Việc tìm tài liệu hết sức vất vả, khó khăn, phương tiện làm bản thảo lúc đó cũng lạc hậu. Tôi phải viết tay, đánh máy chữ rồi mới gửi đến nhà xuất bản. Nghĩ lại, khó khăn lúc đó là không tưởng tượng được, tôi ngồi làm việc cả ngày, cả đêm, lặp đi lặp lại từ viết bản thảo đến đánh máy,
Giai đoạn 2 từ năm 1998 trở đi, tôi không còn áp lực thời gian, việc tìm tài liệu thong thả hơn. Nhờ đó, tôi sưu tầm được nhiều tài liệu phong phú, đầy đủ và quý hiếm. Lần này, tôi rất thỏa mãn vì tài liệu đầy đủ, phong phú, không thiếu khía cạnh nào, từ việc lớn đến việc nhỏ. Đại thể là hoàn mỹ lắm rồi!
- Ông đã đi những địa điểm nào tìm tài liệu?
Tôi có 2 bàn tay trắng khi bắt đầu viết vì bán hết tài liệu cho ve chai để mua gạo. Tôi phải đến thư viện làm việc như một công chức: sáng 7h30 có mặt, trưa ở lại, chiều mới về. May mắn, thành phố sau giải phóng có 2 trung tâm lưu trữ tài liệu xưa rất đầy đủ, không tổn thất, giúp việc viết sách của tôi được đầy đủ.
- Có những khoảng thời gian, ông phải thay đổi nghề nghiệp liên tục, điều gì giúp ông không bỏ cuộc giữa chừng để cuối cùng ra mắt được tác phẩm này?
Động cơ căn bản nhất của tôi là yêu nước. Tôi yêu nước nên yêu lịch sử của nước mình. Nếu không có lịch sử, đất nước không tồn tại được. Tôi vẫn lưu ý tới vấn đề nghiên cứu và viết lịch sử dù có khó khăn, vất vả như thế nào. Suy nghĩ này của tôi được xây dựng và hình thành từ nhỏ tới lớn.
- Theo ông, giá trị lớn nhất tác phẩm mang lại là gì?
Lâu nay, tôi nhận thấy có hai vấn đề quan trọng liên quan đến lịch sử nhưng chưa được trình bày cụ thể, khiến độc giả và người dân chưa hiểu rõ sự thật. Tôi viết rõ những vấn đề này để đánh tan các luận điệu xuyên tạc, gây bất hòa, làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị dân tộc giữa Việt Nam và Campuchia.
Đó là vấn đề lưu dân của người Việt tại Chân Lạc (Campuchia). Tại sao dân mình lại đến ở một nước khác và khai thác một vùng khoáng địa mà không bị trở ngại? Điều đó có lý do chứ không tự nhiên.
Thứ hai là tại sao Nam Bộ lại thành một vùng miền của nước Việt Nam? Tôi đã trình bày hết trong cuốn sách một cách chính đáng.
Trước đây, các vua Chân Lạp từng nhờ Đại Việt đưa quân giúp đánh đuổi ngoại xâm. Sau khi hoàn thành, quân ta rút về mà không đòi hỏi trả ơn. Khoảng 50-60 năm sau, ghi nhận công lao giúp đỡ và hy sinh của người Việt, các vua Chân Lạp tự nguyện cắt đất tặng. Quá trình này kéo dài khoảng 50 năm.
Vùng đất Hà Tiên xưa rất rộng lớn, bao gồm Kiên Giang, Cà Mau và một phần Sóc Trăng, ban đầu được vua Chân Lạp cho phép nước ta khai thác, sau đó tình nguyện hiến tặng. Việc này được ghi rõ trong sử Việt Nam, sử Chân Lạp và cả sử Pháp. Tôi đã trình bày cụ thể để làm sáng tỏ vấn đề, đánh tan những luận điệu xuyên tạc, củng cố tình hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia.
Điều tôi muốn trình bày với độc giả cả nước và nước bạn là 2 vấn đề then chốt ảnh hưởng đến tình hữu nghị hai dân tộc: lưu dân người Việt và vùng đất Nam Bộ. Tôi muốn người đọc lưu ý kỹ để hiểu rõ hơn về lịch sử. Thay vì khơi lại chuyện cũ một cách hồ đồ, thiếu căn cứ, chúng ta nên hợp tác để xây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc.
- Lịch trình một ngày làm việc của ông hiện tại như thế nào?
Tôi phải có sức khỏe mới ngồi viết được. Muốn có sức khỏe, tôi bảo vệ thân thể bằng cách tập thể dục, ăn uống điều độ. Nghiên cứu với tôi là món ăn tinh thần, thiếu nó như thiếu cơm gạo, không thể sống được.
Nhiều khi tôi say mê quá cả giờ ăn, ngủ nhưng chưa tắt đèn được, sợ ngưng nửa chừng thì hôm sau quên mất. Tôi có thể ngồi 8 tiếng trước máy vi tính làm việc một ngày.
- Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ quan tâm tới văn hóa, lịch sử đất nước?
Hiện nay, thanh niên thường ôm điện thoại di động mà quên mất văn hóa đọc. Điều này chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, không phục vụ lâu dài cho nền văn hóa. Để phục vụ lâu dài, cần đọc sách, vừa đọc vừa nghiền ngẫm.
Phạm vi của điện thoại nhỏ hẹp, không chứa được nhiều tư liệu sâu xa như một quyển sách. Tôi đề mong thanh niên nên chú trọng đọc sách, tiếp thu kiến thức chiều sâu.
Đọc sách tức là đang học, kể cả khi không còn tới trường. Kiến thức từ sách gộp lại giống như một người thầy đầy đủ, toàn diện nhất, dạy kiến thức đủ các lĩnh vực.
Tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) gồm 6 phần chính. Được chia ra 2 tập với mốc thời gian tập I từ 1698-1945 và tập II từ 1945-2020. Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của thành phố, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt.
Phần thứ nhất giới thiệu thời các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn, trình bày về tình hình vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam, việc đặt nền móng, các đơn vị hành chính, việc mở mang bờ cõi, tổ chức các đơn vị hành chính dưới thời các vua nhà Nguyễn, tổ chức an ninh quốc phòng, mở mang nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải - bưu chính, thương mại, thuế khóa, tiền tệ, hoạt động văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể dục, y tế, xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo.
Phần thứ hai giới thiệu thời Pháp thuộc, trình bày về quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ, đánh thành Gia Định, đánh đồn Phú Thọ, đánh đồn Chí Hòa; công cuộc kháng chiến của quan chức; Hòa ước Nhâm Tuất (1862); người Pháp tổ chức bộ máy cai trị, cấp quản hạt tức cấp trung ương, bộ máy cai trị thành phố Sài Gòn, thành phố Chợ Lớn, khu Sài Gòn - Chợ Lớn, cấp địa hạt sau là tỉnh, cấp quận, cấp tổng, cấp làng, tổ chức quản lý hành chính tỉnh Gia Định, tỉnh Chợ Lớn, tỉnh Tân Bình; tổ chức ngành tư pháp - quốc phòng; chính sách đối với người Hoa, chính sách về nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, ngành bưu điện, thương mại, tài chính thuế vụ - tiền tệ - ngân hàng, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, y tế - thể thao - du lịch, xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo; nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tiếp tục chống Pháp.
Phần thứ ba giới thiệu giai đoạn từ ngày Nhật đảo chánh Pháp (1945-1975) đến Hiệp định Genève 1954, trình bày về cuộc đảo chánh của Nhật và cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn - Gia Định và cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945-1954).
Phần thứ tư giới thiệu giai đoạn Việt Nam Cộng hòa (1954-1975), trình bày việc chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài đất nước dưới sự can thiệp của Chính phủ Mỹ, về hoạt động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại - xuất nhập khẩu - bến cảng, tài chính - ngân hàng - tiền tệ, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục, y tế - xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo, du lịch, ngoại giao - quốc phòng; về cuộc đảo chánh lật đổ Diệm, việc chính quyền Thiệu đã làm được; việc các cấp Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo nhân dân Sài Gòn - Gia Định đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa dẫn tới Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.
Phần thứ năm giới thiệu giai đoạn xây dựng thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, hội nhập từ 1975-2020, dưới chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trình bày về việc chính thức thành lập TPHCM, về xây dựng và phát triển nông nghiệp - chăn nuôi - ngư nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đầu tư nước ngoài, thương mại, tài chính - ngân hàng - tiền tệ, giao thông vận tải - bưu điện, giáo dục, các lĩnh vực văn hóa - loại hình nghệ thuật, y tế - xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo, thể dục - thể thao, du lịch, liên kết với các tỉnh và hội nhập quốc tế, an ninh quốc phòng.
Cuối cùng là Phần tổng luận, phần phụ lục.