1 cổ phiếu dệt may tăng 8 phiên liên tiếp, giá lên cao nhất một năm
Với tín hiệu kỹ thuật tích cực trong gần 2 tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là thời điểm nhóm cổ phiếu dệt may vào sóng.
Kết phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng tăng trần lên mức 40.950 đồng/cp - giá cao nhất 1 năm. Khối lượng giao dịch phiên này cũng tăng đột biến với 663.500 cp (vượt trội so với trung bình 20 phiên).
Đáng chú ý, đây đã là phiên tăng giá thứ 8 liên tiếp (+14%) của cổ phiếu dệt may này kể từ ngày 22/8 sau khi hình thành mẫu nến rút chân tăng điểm tại vùng hỗ trợ MA100 (mức 36.100 đồng).
Thanh khoản MSH đã tăng mạnh trở lại sau gần 1 tháng siết Vol, giá cổ phiếu cũng đã vượt vùng kháng cự vùng 38.x - 39.0 và hướng lên ngưỡng cản gần 44.x - 45.x đồng/cp.
Dòng tiền lớn liên tục gia tăng vị thế mua cổ phiếu MSH 2 tuần trở lại đây |
So với mức đỉnh 63.x ghi nhận hồi nửa cuối tháng 4/2022, cổ phiếu May Sông Hồng hiện vẫn thấp hơn 35% giá trị. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu này mới tăng hơn 24%. Với tín hiệu tích cực trong gần 2 tuần trở lại đây, nhiều chuyên gia cho rằng có lẽ đây mới là thời điểm nhóm cổ phiếu ngành dệt may trở lại.
Từng bước lấy lại đà tăng trưởng
Xét về câu chuyện kinh doanh, quý 2/2023, May Sông Hồng ghi nhận doanh thu 1.541 tỷ đồng - tăng 4% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế giảm 8% YoY còn 100 tỷ.
Kỳ này, công ty tiếp tục ký được nhiều đơn hàng nên doanh thu tăng. Tuy nhiên do chi phí đầu vào tăng thuận nên lợi nhuận giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, MSH đạt 2.179 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 112 tỷ đồng - lần lượt giảm 20% và 37% so với bán niên 2022. Tuy nhiên, nhìn vào quý 2, có thể thấy doanh nghiệp đã hạn chế được đà suy giảm kết quả kinh doanh của quý đầu năm và từng bước lấy lại đà tăng trưởng.
May Sông Hồng cho biết, trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may và nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu giảm sút, công ty tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi gồm giữ chân người lao động; giữ chân khách hàng, chấp nhận biên lợi nhuận mỏng để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác; quản trị chặt chẽ chi phí.
Năm 2023, MSH đặt kế hoạch doanh thu 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ, lần lượt giảm 13% và 20% so với thực hiện 2022, cổ tức dự kiến từ 15 - 35%.
Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, đây là kế hoạch thận trọng, nếu điều kiện thuận lợi về cuối năm, công ty có thể đạt kết quả cao hơn.
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT MSH chia sẻ, Sông Hồng năm nào cũng có đơn hàng, có điều là hàng nhiều hay ít. Đặc thù của dệt may là tháng Hè làm đơn hàng mùa Đông, tháng Đông lại làm hàng Hè. Như tôi đã đề cập, hiện hàng dệt kim các hãng có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường khác nên quý III có thể sẽ chút khó khăn về đơn hàng, quý 4 thì đơn hàng lại dồi dào.
Một số tiêu chí của May Sông Hồng (Nguồn VNDirect) |
Thị trường xuất khẩu hồi phục
Theo Hiệp hội Dệt may (VITAS), xuất khẩu dệt may Việt Nam có một số tín hiệu phục hồi trong tháng 7 khi giá trị xuất khẩu sợi và hàng may mặc tăng lần lượt 9,15% và 3,23% lên 392 triệu USD và 3,2 tỷ USD.
Tín hiệu đáng lưu ý nhất là giá đầu vào của ngành dường như đã chạm đáy. Theo thống kê, giá bông đã phục hồi từ mức đáy 80 USD/pound vào tháng 7. Điều này có thể cho thấy nhu cầu bông đầu vào của ngành dệt may nhiều khả năng sẽ tăng lên.
Tương tự, giá dầu thô và vận chuyển cũng đã tăng kể từ đầu quý III cho thấy sự cải thiện về nhu cầu chung trong nửa cuối năm.
Đơn hàng gia tăng vào cuối năm là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may. Điều này được thể hiện qua số liệu hàng tồn kho của các thương hiệu thời trang lớn đã giảm trong thời gian dài.
Tại thời điếm cuối quý 2, giá trị hàng tồn kho của các thương hiệu lớn như Nike, H&M, GAP và Inditex thấp hơn nhiều so với mức giữa năm 2022. Giới phân tích tin rằng các đơn đặt hàng may mặc sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023, khi các thương hiệu bổ sung hàng dự trữ, đặc biệt là các kỳ nghỉ lễ.
Xem thêm: Cổ phiếu VIC đã kết pha điều chỉnh, nhà đầu tư giao dịch thế nào sau nghỉ lễ?
Dệt may Thành Công (TCM) lãi đậm sau 10 tháng
Ông Donald Trump tái đắc cử: Cơ hội vàng cho ngành dệt may Việt Nam giữa thế khó của Trung Quốc