1 năm sau lời hứa hồi sinh công viên của Chủ tịch TP Hà Nội
Năm 2023, sau khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về hồi sinh các công viên ở Thủ đô, đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, kế hoạch cải tạo tổng thể công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo… vẫn cần thêm thời gian.
Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra vào giữa tháng 10/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong năm 2023, thành phố sẽ làm ‘sống lại’ các công viên. Người dân thành phố sẽ được hưởng lợi một cách công bằng và tự do về nguyên tắc tiếp cận các công viên trên địa bàn.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, thành phố sẽ mở ra một số mô hình mới về đầu tư công viên, cây xanh. “Mô hình đầu tư như thế nào thì người dân vẫn được hưởng lợi. Chứ không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
GẦN 900 TỶ CẢI TẠO 3 CÔNG VIÊN NỘI ĐÔ
Để hồi sinh các công viên trong nội thành, tháng 10/2023, HĐND TP Hà Nội thông qua dự án cải tạo, nâng cấp công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo. Tổng mức đầu tư là hơn 886 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn từ 2024-2026.
Cụ thể, TP Hà Nội dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thống Nhất, gần 330 tỷ đồng cho Công viên Thủ Lệ và gần 149 tỷ đồng cho Công viên Bách Thảo.
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả Công viên Thống Nhất, TP Hà Nội dự kiến phá bỏ toàn bộ hàng rào bao quanh để vận hành theo hình thức công viên mở.
Sau khi bỏ hàng rào, việc đảm bảo an ninh, trật tự sẽ được tăng cường, bổ sung biện pháp quản lý như lắp hệ thống camera an ninh, đèn chiếu sáng.
Ngoài ra, TP Hà Nội còn đầu tư thêm một số hạng mục ở Công viên Thống Nhất như chòi nghỉ chân cho người dân.
Trước đó gần 1 năm (tháng 12/2022), TP Hà Nội đã tháo dỡ hàng rào Công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), sau đó triển khai phố đi bộ quanh khu vực này.
Với Công viên Thủ Lệ và Bách Thảo, tới đây sẽ tập trung cải tạo, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp. Đây là 2 công viên có tính đặc thù nên thành phố đang cân nhắc các phương án xây dựng "công viên mở" vừa đảm bảo an toàn, vừa hài hòa với cảnh quan khu vực.
Ngoài kế hoạch cải tạo 3 công viên trên, trong năm 2023, TP Hà Nội cũng đã nỗ lực tìm phương án hồi sinh Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô. Trong đó, ông Trần Sỹ Thanh đã làm việc với các sở ngành, yêu cầu xử lý dứt điểm tồn tại trong công viên này.
Thực hiện yêu cầu trên, quận Hai Bà Trưng đã vận động, thuyết phục chủ đầu tư tự giác chấp hành tháo dỡ hàng loạt hạng mục, công trình vi phạm trong Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô.
KHÁNH THÀNH, MỞ CỬA 2 CÔNG VIÊN GẦN 300 TỶ
Sau hơn 10 tháng thi công, đầu tháng 11/2023, TP Hà Nội khánh thành Công viên Long Biên, rộng 21ha, với tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng. Các hạng mục dự án gồm: Xây dựng, cải tạo, sửa chữa hệ thống kè hồ, đường trục chính, đường nhánh, đường dạo ven hồ, sân khấu, chòi nghỉ…
Công viên Long Biên được đưa vào khai thác đã tạo nên không gian xanh - sạch - đẹp - hiện đại, trở thành điểm nhấn đặc trưng về cảnh quan, kiến trúc của khu đô thị gắn với trung tâm hành chính của quận Long Biên.
Từ khi công trình đưa vào khai thác đã hình thành không gian đi bộ, điểm vui chơi, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân trên địa bàn quận này.
Vào dịp 10/10/2023, quận Long Biên cũng đã khánh thành Công viên, hồ Ngọc Thụy có tổng mức đầu tư gần 208 tỷ đồng với tổng diện tích khoảng 14ha. Đây là công viên đẹp, hiện đại bậc nhất quận Long Biên, với hệ thống chiếu sáng, phun nước.
Từ khi đưa vào hoạt động công viên, hồ Ngọc Thụy là điểm nhấn về cảnh quan đô thị phía Đông Bắc Hà Nội và là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa.
LỜI GIẢI CHO CÔNG VIÊN 'ĐẮP CHIẾU' 20 NĂM
Trong năm 2023, các cấp ngành của TP Hà Nội cũng dồn lực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án công viên Đống Đa và Hà Đông. Đây là những công viên TP Hà Nội có chủ trương đầu tư nhiều năm qua nhưng chưa thể thực hiện.
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, các đại biểu đã đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng như quận Đống Đa, Hà Đông cho biết tiến độ thực hiện dự án 2 công viên trên.
Đối với công viên Đống Đa, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh thừa nhận việc thực hiện dự án Công viên Đống Đa đã kéo dài khá lâu.
Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, tiến độ công việc liên quan dự án công viên của Sở phụ thuộc vào công tác trình lập quy hoạch của quận Đống Đa.
Báo cáo khó khăn về công tác lập quy hoạch dự án Công viên Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Lê Tuấn Định cho biết, quận đã rà soát hiện trạng, lập hồ sơ báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Dự kiến trong 4/2024, sẽ trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án.
Về dự án Công viên Hà Đông, bà Cấn Thị Việt Hà - Chủ tịch UBND quận cho biết, việc quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án đã hoàn thành. Dự án có tổng diện tích là 95 ha.
Hiện nay, quận Hà Đông đang trong quá trình lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án để báo cáo HĐND quận thông qua trong kỳ họp sớm nhất. Quận Hà Đông cũng sẽ sớm giải phóng mặt bằng 40 ha còn lại của đất công viên.
>> Khám phá vẻ đẹp của Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất ở Tây Nguyên được UNESCO công nhận