Mới đây, chứng khoán Tân Việt (TVSI) yêu cầu tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trái phiếu Saigon Glory đang lưu hành, hoặc sẽ bị xử lý tài sản đảm bảo.
Sài Gòn Glory, nợ phải trả gấp 4 lần vốn chủ sở hữu
Công ty TNHH Sài Gòn Glory công bố tình tình tài chính định kỳ cho kỳ báo cáo từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Cái tên Sài Gòn Glory có thể còn xa lạ trong giới bất động sản. Thực tế, Sài Gòn Glory là công ty con do Tập đoàn Bitexco sở hữu 100% vốn điều lệ, thành lập tháng 6/2018.
Hậu thuẫn bởi Bitexco, Sài Gòn Glory có vốn điều lệ khá “khủng”, 7.000 tỷ đồng. Công ty do ông Trịnh Quang Công làm Tổng Giám đốc, ông Vũ Quang Bảo là Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Công ty mẹ Tập đoàn Bitexco thành lập năm 1993. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện tại Bitexco có vốn điều lệ 6.260 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Quang Bảo nắm giữ 40% và ông Vũ Quang Hội nắm giữ 60% vốn. Ông Vũ Quang Hội là anh trai ông Vũ Quang Bảo. Ông Vũ Quang Bảo cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên tại Sài Gòn Glory.
Bitexco hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản, năng lượng, thương mại dịch vụ.
Ở mảng năng lượng Bitexco đang đầu tư cả các dự án năng lượng mặt trời như Dự án Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà. Ở lĩnh vực dầu khí, Bitexco chiếm 15% cổ phần trong liên doanh khai thác giàn khoan CTC1 mỏ Cá Tầm, lô 09/3-12 cùng với Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
Ở mảng bất động sản, những công trình Bitexco đã hoàn thành có thể kể đến như tòa nhà văn phòng Bitexco, Khu đô thị The Manor hà Nội, Khách sạn JW Mariott Hà Nội…
Những dự án đang phát triển có Khu đô thị The Manor Central Park, Khu đô thị tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Khu đô thị Đông Bắc Sapa, The Spirit of Saigon…
Quay trở lại với Sài Gòn Glory, dù có hậu thuẫn là Bitexco, nhưng tình hình kinh doanh của công ty rất ảm đạm. Năm 2021 Sài Gòn Glory vẫn báo lãi sau thuế 290 tỷ đồng, thì năm 2022 vừa qua lại lỗ 152 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến kinh doanh thua lỗ có thể do áp lực lãi vay. Báo cáo ghi nhận đến 31/12/2022 vốn chủ sở hữu của Sài Gòn Glory còn 6.848 tỷ đồng (trên tổng vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng). Nợ phải trả gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, lên 27.300 tỷ đồng.
Nợ nần chồng chất, nhưng áp lực lớn nhất của Sài Gòn Glory chính là khoản nợ trái phiếu 10.000 tỷ đồng công ty phát hành năm 2020. Trong số 10.000 tỷ đồng nợ trái phiếu này, có 5.000 tỷ đồng đáo hạn trong tháng 6, tháng 7/2023 này. Số còn lại đáo hạn vào năm 2025.
Ngày 11/6 vừa qua hội nghị trái chủ về điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu của 5 lô trái phiếu sắp đáo hạn của Saigon Glory bất thành. Mới đây Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã gửi yêu cầu Saigon Glory, tổ chức quản lý tài sản bảo đảm và các bên liên quan cùng tiến hành phối hợp xử lý tài sản đảm bảo để hoàn trả, thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu cho các trái chủ của Saigon Glory.
Thông báo nêu rõ "tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trái phiếu Saigon Glory đang lưu hành, hoặc sẽ bị xử lý tài sản đảm bảo".
Đi một vòng lớn, The Spirit of Saigon lại về với Bitexco
Sài Gòn Glory là chủ đầu tư Dự án The Spirit of Saigon – dự án có vị trí đắc địa tại khu tứ giác Bến Thành, có 4 mặt tiền là Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette thuộc trung tâm quận 1, TP.HCM.
Dự án có diện tích đất 8.537m2, tổng diện tích sàn xây dựng 205.743m2. Dự án gồm 2 tòa tháp, tòa tháp A cao 55 tầng gồm các tầng văn phòng cho thuê ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên. Tháp B còn lại cao 48 tầng bao gồm các căn hộ, với dịch vụ cung cấp bởi khu khách sạn thông qua kết nối phần đế và tầng hầm.
Nhắc đến dự án Spirit of Sài Gòn, giới quan tâm chắc hẳn rất đau đầu bởi những tên khai sinh được đổi liên tục. Một thời nhà đầu tư được gọi dự án này với cái tên khác là One Central. Một thời điểm khác, dự án này còn được mang tên The Pearl.
Trên thực tế, The Spirit of Saigon thực sự đã “đi một vòng lớn” để trở về với Bitexco. Năm 2013 khu đất vàng siêu dự án tại tứ giác Bến Thành này được thành phố Hồ Chí Minh giao cho Bitexco làm chủ đầu tư với diện tích hơn 8.500m2.
Tuy nhiên dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ, đến 2018 mới xong phần cọc móng và 6 tầng hầm. Năm 2019 dự án phải tạm dừng thi công, chuyển đổi pháp nhân chủ đầu tư sang Saigon Glory – công ty con 100% vốn của Bitexco. Tuy vậy có vẻ như Bitexco đã tìm được thêm đồng minh. Dự án The Spirit lúc đó được giới thiệu là có nhà phát triển dự án mới – CTCP Đầu tư và Phát triển Uniprime là nhà phát triển dự án.
Cái tên Uniprime có thể khá xa lạ, vì nó tồn tại không lâu và đổi tên thành CTCP Đầu tư phát triển Bất động sản Sunny World. Công ty do ông Truong Vincent KINH là Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Ông Truong Vincent KINH còn có tên gọi quen thuộc khác là Lâm Khắc Vinh. Sunny World, Sunny Homes… và một số công ty do ông Lâm Khắc Vinh lãnh đạo có liên quan với “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát.
Đầu năm 2022 người hiếu kỳ bất ngờ thấy sự hiện diện của Viva Land - một ông lớn khác trong ngành bất động sản - tại dự án One Central - khi những rào bọc xung quanh được đổi logo thành Viva Land. Trang chủ của Viva Land cũng đã “khoe” dự án mới One Central. Doanh nghiệp này cũng bắt đầu tân trang mặt ngoài cho One Central.
Sự xuất hiện bất ngờ của logo Viva Land bên ngoài hàng rào dự án một lần nữa lại khiến giới đầu tư chú ý. Tuy vậy sau biến cố Vạn Thịnh Phát xảy ra, siêu dự án lại một lần nữa bất ngờ đổi chủ, về tay Saigon Glory, hiện diện với cái tên Spirit of Saigon.
Số phận Spirit of Saigon sẽ ra sao?
Trang chủ của Bitexco ghi nhận hiện tại dự án đang trong tiến độ triển khai, quy mô diện tích 8.600m2, bao gồm hai tòa tháp được nối với nhau bằng khối đế và được bố trí cách xa nhau. Tòa tháp phía Tây cao 55 tầng bao gồm các tầng văn phòng cho thuê ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên.
Tháp phía Đông cao 48 tầng bao gồm các căn hộ, với dịch vụ cung cấp bởi khu khách sạn thông qua kết nối phần đế và tầng hầm. Coteccons sẽ là đối tác, tổng thầu thi công.
Số phận dự án sẽ ra sao khi chủ đầu tư Saigon Glory đang nợ nần chồng chất, khi trái chủ không đồng ý giãn thời gian đáo hạn? Câu chuyện của Saigon Glory, của Bitexco hay của Dự án đầy gian truân The Spirit of Saigon vẫn chưa dừng lại khi kéo theo đó là một số lớn trái chủ khác đang “lo cùng nỗi lo”.
Cụ thể, tháng 1/2021 CTCP Đầu tư Smart Dragon phát hành lô trái phiếu trị giá 1.900 tỷ đồng. Mục địch phát hành, nhưng tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là quyền lợi liên quan đến hợp đồng thỏa thuận đặt cọc và nhận chuyển nhượng diện tích mục tiêu với chủ đầu tư Sài Gòn Glogy.
Một công ty khác là CTCP Phát triển Bất động sản Nhật Quang cũng đem quyền tài sản phát sinh theo hợp đồng chuyển nhượng và nhận đặt cọc diện tích mục tiêu với chủ đầu tư Sài Gòn Glogy. Lô trái phiếu này có trị giá đến 2.150 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ, công ty con của Novaland (NVL) chậm trả lãi lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng
Trường vay tiền phụ huynh để hoạt động nhưng không trả, khoản nợ lên đến 326 tỷ
Kích hoạt thị trường trái phiếu xanh: 'Phải xây dựng cơ chế phân loại rõ ràng'