10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất năm 2023: Hoà Phát out top, nhóm ngân hàng gây bất ngờ
Nhóm ngân hàng có đóng góp nhiều nhất trong danh sách top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2023.
Ngày 8/9/2023, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023.
Đây là bảng xếp hạng (BXH) thường niên nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận cao và bền vững.
6/10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2023 thuộc nhóm ngân hàng
Theo đó, hai vị trí dẫn đầu năm nay không thay đổi so với BXH năm ngoái, lần lượt thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.
Tuy nhiên, vị trí thứ 3 không còn là CTCP Tập đoàn Hòa Phát, mà thuộc về Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel – đơn vị đứng thứ 4 năm ngoái. Hòa Phát thậm chí không còn góp mặt trong top 10 năm nay.
Hai cái tên khác cũng rời top 10 so với BXH năm ngoái là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng VietinBank. Thay vào đó, 3 doanh nghiệp mới lọt top 10 bao gồm Công ty TNHH – Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Ngân hàng BIDV và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank.
Bên cạnh Top 10 BXH Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023, Vietnam Report còn công bố Top 10 BXH Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023. Ba vị trí dẫn đầu đều thuộc về các ngân hàng: Techcombank, VPBank và ACB. Ngoài ra, còn có HDBank, Vinamilk, Hoà Phát...
Triển vọng kinh tế năm 2023 theo góc nhìn doanh nghiệp PROFIT500
Vietnam Report cho biết, dù chưa thể quay về mức cao như trước đại dịch, song so với năm trước, ROA bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500 trong năm 2023 đã có sự cải thiện tương đối đồng đều ở cả các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước. Nhìn chung, bức tranh ROA và ROE bình quân của các doanh nghiệp thuộc bảng xếp hạng PROFIT500 đều khởi sắc hơn so với năm 2022.
Giai đoạn vừa qua đánh dấu một chặng đường khó khăn của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng trong nửa đầu năm nay thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan lại gia tăng.
Tính đến hiện tại, khi 2/3 khoảng thời gian của năm đã trôi qua, chưa đến một nửa số doanh nghiệp hoàn thành được trên 50% kế hoạch lợi nhuận, giảm mạnh so với 73,9% số doanh nghiệp ở thời điểm khảo sát cách đây một năm. Theo số liệu tính chung 8 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, 124,7 nghìn doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xác định cơ hội để nắm bắt, củng cố sức bền, sức bật nhằm tái tạo lại quỹ đạo phục hồi và tăng trưởng mới là điều mà mọi doanh nghiệp đang hướng tới. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp đều đang đặt kỳ vọng rất lớn vào những chính sách hỗ trợ cả về tài khóa lẫn tiền tệ, và môi trường lãi suất thấp hơn sẽ có nhiều tác động hơn nữa trong việc vực dậy đà tăng của lợi nhuận.
Bên cạnh các yếu tố nội lực, 3/5 động lực hàng đầu được doanh nghiệp chỉ ra trong nửa cuối năm có liên quan đến yếu tố chính sách, bao gồm: Mặt bằng lãi suất vay ngân hàng thương mại giảm (59,1%); Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% (54,5%) và Đầu tư công được đẩy mạnh (27,3%).
Bên cạnh việc tận dụng tối đa lực đẩy từ các chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng, tình hình thay đổi, doanh nghiệp cũng có sự điều tiết linh hoạt chiến lược theo các hướng: chủ động đổi mới, cải thiện (thị trường, sản phẩm, dịch vụ…), tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị rủi ro để duy trì hoạt động một cách bền vững, và đặc biệt, chú trọng xây dựng vốn con người – một trong những nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp.