Doanh nghiệp

Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: 'Trong lịch sử, chưa bao giờ ngân sách đầu tư công xông xênh như bây giờ'

Huy Hoàng 05/07/2025 - 13:12

Năm 2025, thu ngân sách Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục vượt dự toán cỡ 300.000–400.000 tỷ đồng.

Trong nhiều năm, đầu tư công luôn được xem là “động lực dẫn dắt” tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó, nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Thế nhưng thực tế triển khai cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chưa bao giờ là bài toán dễ. Tình trạng “tiền có, tiêu không hết” vẫn kéo dài qua nhiều năm do vướng mắc pháp lý, quy trình, năng lực tổ chức thực hiện…

Từ năm 2024 đến nay, Chính phủ đã liên tục đôn đốc các địa phương, bộ ngành phải giải ngân sát kế hoạch. Ngân sách đầu tư công không chỉ tăng mạnh qua các năm mà còn kèm theo áp lực phải sử dụng hiệu quả.

Mới đây, ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT FPT đã có những chia sẻ thiết thực về vấn đề này, đồng thời ông cũng kiến nghị giải pháp để nâng cao năng lực giải ngân đầu tư công.

Ông cho biết, năm 2024, tổng vốn đầu tư công đạt 677.349 tỷ đồng, song chỉ giải ngân được hơn 70% kế hoạch. Bước sang năm 2025, con số này được nâng lên 790.729 tỷ đồng, với yêu cầu giải ngân tối thiểu 95%, thậm chí có thể lên tới 100%. Đặc biệt, nhờ khoản vượt thu ngân sách 338.000 tỷ đồng năm trước, Chính phủ có thêm dư địa để chi cho đầu tư công, cho phép nâng tổng vốn có thể lên tới 1,13 triệu tỷ đồng.

Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: 'Trong lịch sử, chưa bao giờ ngân sách đầu tư công xông xênh như bây giờ'
Ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2025, thu ngân sách tiếp tục bùng nổ đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, rất nhiều khả năng thu ngân sách sẽ lại tiếp tục vượt dự toán khoảng 300.000-400.000 tỷ đồng, hứa hẹn tạo thêm động lực tăng chi trong năm 2026.

"Trong lịch sử, chưa bao giờ ngân sách đầu tư công của Chính phủ lại xông xênh như bây giờ", ông Bảo nhận định.

Dù vậy, ông cũng cho biết việc "tiêu tiền" không hề dễ, muốn tiêu được phải có năng lực, có trình độ. Các dự án phải được đầu tư đúng quy định, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, phải mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Bảo đề xuất một cơ chế mới để nâng cao năng lực giải ngân đầu tư công. Theo đó, Chính phủ nên áp dụng chính sách phân bổ vốn đầu tư công theo năng lực giải ngân. Cụ thể, tỉnh, thành hay bộ, ngành nào giải ngân hiệu quả thì được cấp thêm vốn, từ đó khuyến khích các đơn vị có năng lực triển khai được nhiều dự án hơn, đồng thời tạo động lực cho các đơn vị còn yếu phải cải thiện, học hỏi kinh nghiệm.

Về tiến độ giải ngân đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết tổng số vốn đã giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/6/2025 đạt hơn 268.000 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2024, tỷ lệ giải ngân tăng lần lượt từ mức 26,4% và 28,2%, cho thấy tiến độ tiếp tục được cải thiện.

Trong đó, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương giải ngân đạt từ mức bình quân chung cả nước trở lên. Tuy nhiên, vẫn còn 32 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình, cho thấy sự chênh lệch đáng kể về năng lực triển khai và hấp thụ vốn giữa các đơn vị.

>>Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: 'Đường sắt cao tốc hầu hết đều lỗ' là định kiến sai lầm

Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: Hơn 111.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 5 tháng - sự thật hay chỉ là con số trên giấy?

Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: 'Đường sắt cao tốc hầu hết đều lỗ' là định kiến sai lầm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sep-fpt-do-cao-bao-trong-lich-su-chua-bao-gio-ngan-sach-dau-tu-cong-xong-xenh-nhu-bay-gio-295366.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: 'Trong lịch sử, chưa bao giờ ngân sách đầu tư công xông xênh như bây giờ'
    POWERED BY ONECMS & INTECH