Thế giới

Hơn 7 triệu người thất nghiệp, chuyện gì đã xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Khang Chi 06/01/2025 10:17

Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn hai triệu việc làm trong năm 2024. Dẫu vậy, số người thất nghiệp đang gặp khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm mới.

Hơn 7 triệu người thất nghiệp

Tính đến tháng 11/2024, hơn 7 triệu người Mỹ thất nghiệp, nghĩa là họ không có việc làm và đang tìm kiếm công việc. Trong số đó, hơn 1,6 triệu người đã tìm kiếm việc làm trong ít nhất sáu tháng, theo Bộ Lao động Mỹ. Con số này tăng hơn 50% kể từ cuối năm 2022.

Hiện tại, trung bình một người mất khoảng sáu tháng để tìm việc, lâu hơn một tháng so với giai đoạn bùng nổ tuyển dụng hậu đại dịch vào đầu năm 2023.

10 năm kinh nghiệm vẫn bị sa thải, nộp đơn 500 công ty không ai nhận, xin việc ở siêu thị cũng khó khăn - ảnh 1
Tính đến tháng 11/2024, hơn 7 triệu người Mỹ thất nghiệp

Khó khăn chủ yếu rơi vào các công việc văn phòng lương cao như công nghệ, luật và truyền thông, nơi các doanh nghiệp từng phát triển nhanh chóng khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, nhưng hiện có ít nhu cầu tuyển dụng mới hơn.

Dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp - ở mức 4,2%, số liệu trong báo cáo không phản ánh hết sự yếu kém của thị trường lao động. Hiện nay, trung bình chỉ có khoảng một vị trí tuyển dụng cho mỗi người thất nghiệp, giảm mạnh so với tỷ lệ hai vị trí vào đầu năm 2022.

Cuộc chiến tìm việc

Olivia Palak, 32 tuổi, sống tại Chicago, đã bị sa thải vào tháng 5 sau ba tháng làm việc tại một công ty mới. Với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong công việc tuyển dụng cho các công ty công nghệ và tư vấn quản lý, cô đã phải dành tám tháng qua để tìm kiếm việc làm toàn thời gian, nhưng chỉ tìm được một số vị trí làm việc bán thời gian.

10 năm kinh nghiệm vẫn bị sa thải, nộp đơn 500 công ty không ai nhận, xin việc ở siêu thị cũng khó khăn - ảnh 2
Olivia Palak, 32 tuổi, sống tại Chicago, đã bị sa thải vào tháng 5

Tương tự, Josh McLarty, 42 tuổi, đến từ Atlanta, cũng bị sa thải vào tháng 4. Sau khi nộp đơn vào gần 500 công việc và chỉ tham gia sáu buổi phỏng vấn, anh vẫn chưa nhận được lời mời làm việc nào. Việc nộp đơn cho các công việc lương thấp hơn, chẳng hạn như tại siêu thị Publix, cũng không mang lại kết quả. “Tôi đang mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn”, McLarty nói.

Will Wiggins III, một nhà thiết kế đồ họa 36 tuổi ở Austin, Texas cũng không tìm được bất kỳ công việc nào từ tháng 4/2024. Hiện tại, anh dành khoảng 40 giờ mỗi tuần để tìm kiếm việc làm và đã ứng tuyển hàng trăm vị trí toàn thời gian.

"Có những lúc nộp đơn vào lúc 1 giờ sáng nhưng 3 giờ sáng đã nhận được thông báo bị từ chối. Thật khó để tin rằng ai đó đã thực sự xem qua hồ sơ của tôi”, Wiggins chia sẻ.

10 năm kinh nghiệm vẫn bị sa thải, nộp đơn 500 công ty không ai nhận, xin việc ở siêu thị cũng khó khăn - ảnh 3
Will Wiggins III, một nhà thiết kế đồ họa 36 tuổi ở Austin, Texas cũng không tìm được bất kỳ công việc nào từ tháng 4/2024

Thị trường ảm đạm

Cho đến nay, thị trường lao động suy yếu chủ yếu do số lượng tuyển dụng giảm, thay vì các đợt sa thải lớn trên diện rộng. Mặt khác, khi các công ty bắt đầu giảm biên chế, việc cắt giảm nhân sự thường diễn ra nhanh chóng, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt đáng kể, theo Veronica Clark, một nhà kinh tế tại Citigroup.

Cory Stahle, một nhà kinh tế tại trang web tuyển dụng Indeed thì nói rằng cuối năm ngoái, các bài đăng tuyển dụng trong các lĩnh vực như phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu và marketing đã giảm ít nhất 20% so với mức trước đại dịch.

Dữ liệu của Chính phủ cũng cho thấy tỷ lệ tuyển dụng trong ngành thông tin giảm 30% so với trước đại dịch, trong khi tuyển dụng ngành tài chính giảm 28%.

Ngược lại, các lĩnh vực như khai thác mỏ, sản xuất và vận tải vẫn giữ được sự ổn định. Riêng hai ngành chăm sóc sức khỏe và công việc trong lĩnh vực công đã chiếm hơn một nửa số việc làm được tạo ra trong 12 tháng qua.

Nhiều người lao động buộc phải chuyển đổi sang các ngành nghề khác để tìm kiếm việc làm. Trong 6 tháng qua, hơn một nửa số lao động mới cho biết họ đã phải thay đổi lĩnh vực công việc để có được vị trí hiện tại, tăng từ mức thông thường khoảng 40%, theo Julia Pollack, nhà kinh tế tại ZipRecruiter, trích dẫn các khảo sát của công ty.

Sự trì trệ của thị trường lao động và mức tăng lương chậm hơn đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9, mặc dù lạm phát vẫn chưa trở lại mức mục tiêu 2% của họ.

Theo WSJ

>> 'Ông lớn' sản xuất 138 năm tuổi thông báo sa thải hơn 8.000 lao động, 'giáng đòn' trực diện vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu

Siêu cường châu Á đau đầu với khủng hoảng nhân lực: Nghề thiếu người, người thất nghiệp

Quốc gia từng thịnh vượng bậc nhất Trung Đông trên bờ vực sụp đổ, trở thành 'chảo lửa' chiến tranh: Dân lái siêu xe đi xin ăn, siêu lạm phát và thất nghiệp tăng vọt

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/10-nam-kinh-nghiem-van-bi-sa-thai-nop-don-500-cong-ty-khong-ai-nhan-xin-viec-o-sieu-thi-cung-kho-khan-134071.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hơn 7 triệu người thất nghiệp, chuyện gì đã xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH