'Ông lớn' sản xuất 138 năm tuổi thông báo sa thải hơn 8.000 lao động, 'giáng đòn' trực diện vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu
"Môi trường kinh tế khó khăn và những thay đổi liên tiếp trong ngành ô tô khiến chúng tôi, cũng như nhiều công ty khác, gặp thách thức lớn. Điều quan trọng là chúng tôi phải giữ được sự cạnh tranh trong điều kiện này", Bosch cho biết trong thông báo.
Bosch, "gã khổng lồ" sản xuất của Đức có kế hoạch sa thải 8.250 nhân viên trên toàn cầu trong những năm tới, theo CNN.
Việc cắt giảm nhân sự diễn ra ở mảng chuyên cung cấp linh kiện cho các hãng xe toàn cầu, trong bối cảnh doanh nghiệp này đang phải "vật lộn" với nhu cầu yếu, chi phí cao và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
"Môi trường kinh tế khó khăn và những thay đổi liên tiếp trong ngành ô tô khiến chúng tôi, cũng như nhiều công ty khác, gặp thách thức lớn. Điều quan trọng là chúng tôi phải giữ được sự cạnh tranh trong điều kiện này", Bosch cho biết trong thông báo. Công ty nói "mảng linh kiện ô tô sẽ có một sự chuyển đổi sâu sắc".
Tính đến cuối năm 2023, Bosch có hơn 429.000 lao động. Công ty 138 tuổi hiện sản xuất nhiều đồ tiêu dùng, từ tủ lạnh đến máy pha cà phê; cũng như làm nhiều loại máy móc cho các doanh nghiệp khác.
Theo CNN, tin tức này của Bosch là một đòn giáng nữa vào nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn. Nhiều hãng sản xuất danh tiếng của Đức gần đây đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc; các bất lợi truyền thống như chi phí lao động, thuế cao, giá năng lượng tăng lên sau xung đột Nga - Ukraine năm 2022.
Tuần trước, hàng chục nghìn công nhân của Volkswagen - nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Đức đã tham gia đình công tại các nhà máy trên khắp cả nước. Điều này xảy ra khi Volkswagen cho biết sẽ giảm 10% lương nhân viên để bảo vệ việc làm và tương lai của công ty; đồng thời đóng cửa ít nhất ba nhà máy ở Đức và sa thải hàng chục nghìn nhân viên.
Tháng trước, Thyssenkrupp Steel - hãng thép lớn nhất Đức cũng đã công bố kế hoạch giảm 11.000 việc làm đến hết thập kỷ này, tương đương 40% lực lượng lao động. Họ cho biết nguyên nhân một phần là nguồn cung thép giá rẻ từ châu Á.
Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xuất hiện, GDP Đức đã suy giảm. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) hồi đầu tháng 11, nền kinh tế này sẽ tiếp tục suy giảm năm nay.
Theo CNN
>> Nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào khủng hoảng, GDP quý III có thể giảm mạnh