16 vụ tàu bay va phải chim ở sân bay Nội Bài
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại sân bay Nội Bài xảy ra 48 sự cố uy hiếp an toàn bay, trong đó có 4 vụ đốt rơm rạ, 12 vụ thả diều, bóng bay, 16 vụ tàu bay va phải chim.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, nhờ tăng cường tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật đảm bảo an toàn hàng cho bà con thuộc các xã giáp ranh, trong những năm qua việc đốt rơm rạ, thả diều, chiếu laser… gây mất an toàn bay năm sau luôn giảm hơn năm trước.
Cụ thể, theo thống kê đến hết tháng 9/2024 ghi nhận tổng số 48 vụ gây nguy cơ mất an toàn bay. Trong đó có 4 vụ đốt rơm rạ, 12 vụ thả diều, bóng bay, 4 vụ vật thể bay; 8 vụ chiếu laser; 16 vụ tàu bay va phải chim; 4 động vật lọt khu bay. Số vụ việc so với năm 2022 giảm 46% và tiếp tục giảm 53% so với năm 2023.
Ông Nguyễn Phi Hùng, chuyên viên an toàn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 5, số 162 năm 2018 và Nghị định số 45 năm 2022 nêu rõ:
Các hành vi gây giảm tầm nhìn của phi công như đốt rơm rạ, chiếu đèn laser ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công. Chỉ một sơ suất nhỏ trong lúc mất tập trung của phi công có thể buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp, quay đầu thậm chí gây tai nạn nghiêm trọng, đe doạ tính mạng hàng trăm người.
Các hành vi có khả năng gây va chạm trên không như thả diều, thả đèn trời, xây dựng công trình trái phép gần sân bay hay các hoạt động thu hút chim… Những hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ làm va chạm với tàu bay đang bay.
Ngoài ra, các hành vi có khả năng gây va chạm dưới đất như sử dụng thiết bị bay tự động như vật thể bay không người lái (UAV/Drone), Flycam; Chăn thả và để lọt gia súc vào khu bay. Các vật thể bay không người lái, gia súc chạy lọt vào khu bay có khả năng va chạm với tàu bay khi cất, hạ cánh hoặc đang vận hành trên đường lăn, sân đỗ.
Đặc biệt, các hành vi có khả năng gây hư hỏng trang thiết bị cảng như đốt rác gần các công trình, thiết bị của sân bay, lấy trộm trang thiết bị sân bay… có thể làm hư hỏng hệ thống trang thiết bị, ảnh hưởng đến quá trình tàu bay khai thác tại cảng.
“Vi phạm vào các hành vi này có thể đối mặt với hình phạt rất nặng. Ví dụ như quy định “phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi “Sử dụng đèn laze trong cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không sân bay ảnh hưởng đến việc tàu bay cất cánh, hạ cánh, di chuyển tại cảng hàng không, sân bay”, ông Hùng nêu.
Theo các chuyên gia, về lý thuyết các máy bay lớn vẫn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2kg. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt.
Sau khi cánh quạt gãy bị hút sâu vào bên trong động cơ và làm hỏng các bộ phận khác. Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn thì tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ. Một đàn chim sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu chúng đâm vào máy bay nhiều lần.
Do đó, hiện các cảng hàng không phải duy trì các biện pháp đuổi chim theo hướng dẫn tại sổ tay kiểm soát chim và động vật hoang dã; Ngăn ngừa chim xuất hiện trong phạm vi cảng thông qua các biện pháp triệt tiêu nguồn thức ăn của chim; nạo vét và cắt cỏ khu bay, khơi thông mương thoát nước để hạn chế sự cư trú và phát triển của chim...