18 cổ phiếu về dưới mệnh giá, các công ty chứng khoán lãi/lỗ ra sao trong quý 3/2022?

23-10-2022 23:27|Ba Lỗ

Sau quý 2 chứng kiến các khoản lỗ khủng, tình hình chung của nhóm ngành chứng khoán phần nào đã bớt tiêu cực trong quý 3/2022.

Sau đỉnh cao nửa cuối năm 2021 với việc VN-Index bứt phá thần tốc qua đó giúp các công ty chứng khoán lần lượt thiết lập đỉnh lợi nhuận, thị trường chứng khoán kể từ đầu năm 2022 (đặc biệt là từ đầu tháng 4) với những biến động mạnh đã không còn trở thành món quà hấp dẫn cho cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán.

Thống kê với 35 mã cổ phiếu nhóm CHỨNG KHOÁN trên thị trường, sau giai đoạn điều chỉnh mạnh (lao dốc từ 20 - 85% giá), hiện có tới 18 mã rơi về dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) trong đó nhiều mã của các công ty chứng khoán vừa và lớn như ORS, VDS, SHS, VIX, APS,...

Thậm chí 4 mã trong số này chỉ còn thị giá dưới 5.000 đồng như TVB, APG và ART. Đây là các mã ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực sau các sự cố liên quan đến lãnh đạo công ty.

Sau quý 2 chứng kiến các khoản lỗ khủng, tình hình chung của nhóm ngành chứng khoán phần nào đã bớt tiêu cực trong quý 3/2022 song các kết quả kinh doanh đã ghi nhận đến thời điểm này vẫn đang cho thấy sự xuống dốc khá sâu so với đỉnh của các công ty chứng khoán.

Ở giai đoạn đỉnh cao lợi nhuận, môi giới, tự doanh, cho vay margin gần như là 3 mũi kinh doanh chủ lực của các công ty chứng khoán khi đem về các mức lãi khủng. Tuy nhiên 2 quý trở lại đây, sự lao dốc của thị trường chung, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng như các biến động khó lường liên quan đến lãi suất, tỷ giá và chính sách điều tiết,... đang khiến cho những nguồn thu chủ lực này của đa số công ty chứng khoán bị "teo lại".

Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2022 đến nay

Trong khi đó, việc siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu và vắng bóng các thương vụ IPO, niêm yết thoái vốn làm suy giảm doanh thu dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành.

Những công ty báo lỗ dần lộ diện

Ghi nhận từ Dòng vốn Kinh doanh, kết thúc mùa báo cáo tài chính quý 2/2022, thị trường chứng khoán có 24 công ty chứng khoán báo lỗ trong đó có 7 công ty lỗ trên 100 tỷ đồng. Mức lỗ cao nhất là Chứng khoán APEC (Mã APS) với gần 442 tỷ đồng. Đáng nói, hầu hết các công ty báo lỗ đều xuất phát từ sự sụt giảm đánh giá lại danh mục tự doanh.

Sang quý 3/2022, dù mùa báo cáo vẫn đang diễn ra song tình hình có vẻ đã khả quan hơn quý trước. Trong số hàng chục công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý, đã có 15 đơn vi báo lỗ trước thuế trong đó có 12 công ty ghi nhận mức lỗ trước thuế trên 1 tỷ đồng.

Chứng khoán Everest (Mã EVS) tạm tính đang là công ty có mức lỗ lớn nhất đã được ghi nhận với hơn 187 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty. Nguyên nhân là danh mục tự doanh của Chứng khoán Everest đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu NVB.

Thời điểm 30/6, lô cổ phiếu NVB này có giá trị trường 465,7 tỷ đồng, tương đương mức lãi 192,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, khoản đầu tư này đang lỗ hơn 10 tỷ đồng.

Đứng thứ hai về mức lỗ là Chứng khoán Asean với hơn 60,6 tỷ đồng qua đó ghi nhận quý lỗ thứ 2 liên tiếp. Tương tự như Everest, khoản đánh giá giảm danh mục FVTPL là gần 109 tỷ đồng.

Chứng khoán APG cũng vừa ghi nhận quỹ lỗ thứ hai với hơn 49 tỷ đồng. Trong quý 3 này, APG ghi nhận lỗ bán danh mục FVTPL hơn 75,6 tỷ đồng trong đó lỗ bán là 39,2 tỷ đồng và chênh lệch giảm đánh giá lại là 36,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, danh mục tự doanh của công có giá trị thị trường gần 431 tỷ đồng.

Nhóm công ty chứng khoán báo lỗ quý này có Chứng khoán FPT - FPTS (Mã FTS) với mức lỗ trước thuế hơn 49 tỷ đồng. Khoản lỗ này chủ yếu đến do đánh giá lại khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH khi giá giảm sâu so với thời điểm cuối quý 2.

Chứng khoán Phú Hưng (Mã PHS) từ mức lãi trước thuế hơn 1,7 tỷ đồng trong quý 2 đã chuyển sang lỗ hơn 14 tỷ trong quý 3; Chứng khoán Trí Việt (Mã TVB) cũng báo lỗ trước thuế trở lại với mức 11,5 tỷ đồng.

Nhóm các công ty báo lỗ trên 1 tỷ đồng còn có Chứng khoán Beta, Chứng khoán Đại Việt, Chứng khoán Alpha, Chứng khoán SaigonBank Berjaya, Chứng khoán RHB Việt Nam và Chứng khoán EuroCapital.

Một số đơn vị khác trên thị trường chuyển từ lãi quý 2/2022 sang lỗ nhẹ dưới 1 tỷ đồng như Chứng khoán Pinetree, Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia.

Công ty nào báo lãi lớn nhất quý 3?

Ngược chiều các doanh nghiệp lỗ, theo thống kê, nhóm chứng khoán hiện đã ghi nhận 14 công ty chứng khoán báo lãi trăm tỷ trong quý 3/2022 (trong khi cùng kỳ là 17 đơn vị) trong đó dẫn đầu bảng xếp hạng vẫn là TCBS và SSI. Chứng khoán VNDirect rời nhóm 3 công ty báo lãi lớn nhất thị trường trong khi một số đơn vị như SHS, TPS, ACBS, VDS đã có lãi trở lại sau quý lỗ trước đó.

Trong Top 20 công ty có lợi nhuận tốt nhất nhóm chứng khoán quý vừa qua, có 6 công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021; 8 công ty cải thiện kết quả so với quý 2/2022. 

Chứng khoán Techcombank (TCBS) dẫn đầu với mức lãi trước thuế gần 731 tỷ đồng - đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái và quý trước đó. Đáng nói quý 3/2021, đây là đơn vị duy nhất ngành chứng khoán báo lãi trước thuế chạm mức nghìn tỷ (đạt 1.002 tỷ đồng).

Công ty mẹ Chứng khoán SSI (Mã SSI) và Chứng khoán VPS cũng vừa báo lợi nhuận trước thuế lần lượt là 382 tỷ đồng và 330 tỷ trong quý 3 vừa qua - tương ứng giảm 54% và tăng 9,5% YoY.

Với tình hình doanh thu đi xuống ở hầu hết mảng kinh doanh, Công ty mẹ Chứng khoán VNDirect (Mã VND) rời khỏi Top 3 về lợi nhuận và bị bật khỏi Top 10 (đứng thứ 11) với khoản lãi trước thuế 116 tỷ đồng - giảm tới 83% YoY và giảm 82% so với quý trước đó. 

Chứng khoán VPBank (VPBankS) - Công ty mới "dưới trướng" VPBank vươn lên vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng lợi nhuận với mức lãi trước thuế 221 tỷ đồng trong quý 3/2022 trong khi cùng kỳ năm 202 lỗ 320 triệu đồng khi còn mang tên Chứng khoán ASC.

Đồng pha, Chứng khoán HSC (Mã HCM) báo lãi trước thuế 206 tỷ đồng - giảm 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái và 41% so với quý trước đó.

Những đơn vị khác có mức sụt giảm lợi nhuận trên 50% so với cùng kỳ còn có Mirae Asset Việt Nam, Chứng khoán HD (HDS), Bản Việt (Mã VCI), Chứng khoán MB (Mã MBS). 

Chứng khoán KS (KS Securites) gia nhập nhóm lãi trăm tỷ với mức lợi nhuận trước thuế 147 tỷ đồng. Cùng với VPBankS và HDS, KSS là đơn vị thứ ba ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ và quý 2 trong khi hầu hết các công ty chứng khoán đều báo lãi giảm.

Chứng khoán SHS (Mã SHS) chuyển từ lỗ gần 372 tỷ đồng trong quý trước sang lãi gần 107 tỷ đồng trong quý này - tăng hơn 5 lần mức 20 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Hai đơn vị khác báo lãi trăm tỷ đồng là Chứng khoán Smart Invest (Mã AAS) và Chứng khoán VIX (Mã VIX) với mức lợi nhuận lần lượt là 106 tỷ đồng và 102 tỷ đồng.

Top 20 công ty chứng khoán có lợi nhuận lớn nhất thị trường còn có Chứng khoán Tiên Phong (TPS), KB Việt Nam, Chứng khoán Tân Việt (TVSI), VCBS, Maybank, Bảo Việt với mức lãi từ 45 tỷ đồng đến 90 tỷ đồng. 

loi-nhuan-truoc-thue-cua-cac-cong-ty-chung-khoan-quy-3_2022-dvt_-ty-dong-.png

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Xem thêm các bài viết liên quan đến chủ đề: #chứng khoán #diễn biến thị trường chứng khoán #thông tin giao dịch #mua bán cổ phiếu #xử phạt chứng khoán #nhận định thị trường chứng khoán #ý kiến chuyên gia #xu hướng dòng tiền #kiến thức đầu tư chứng khoán #bảng lãi suất cho vay margin #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh quý III/2022 #phân tích cổ phiếu

Novaland (NVL) chấm dứt hợp đồng kiểm toán với đơn vị thuộc Big4 sau gần một thập kỷ hợp tác

Đình chỉ kiểm toán viên liên quan báo cáo tài chính năm 2023, Quốc Cường Gia Lai (QCG) nói gì?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/18-co-phieu-ve-duoi-menh-gia-cac-cong-ty-chung-khoan-lailo-ra-sao-trong-quy-32022-154806.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    18 cổ phiếu về dưới mệnh giá, các công ty chứng khoán lãi/lỗ ra sao trong quý 3/2022?
    POWERED BY ONECMS & INTECH