Thép Trung Quốc nghi lách thuế tràn vào Việt Nam gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, Bộ Công Thương chỉ đạo nóng
Lượng thép cuộn cán nóng khổ rộng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hàng chục lần, bị nghi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương đã yêu cầu siết chặt giám sát mặt hàng này.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng thép cuộn cán nóng (HRC) khổ rộng (từ 1.880mm trở lên) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2025. Riêng tháng 6, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 215.000 tấn, gấp 26 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, tổng lượng thép HRC khổ rộng nhập về Việt Nam từ Trung Quốc đạt gần 650.000 tấn, cao gấp 15 lần so với cùng kỳ 2024. Trong đó, loại khổ 2.000mm chiếm tới 74%.
![]() |
Ảnh minh họa |
Thất thu thuế 2.300 tỷ đồng
Trước đó, ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC có chiều rộng không quá 1.880mm. Ngay sau đó, thị trường xuất hiện xu hướng nhập khẩu ồ ạt các loại thép HRC khổ từ 1.900 - 2.000mm, tức vượt ranh giới áp thuế một cách vừa đủ, nhưng bản chất, mục đích sử dụng và kênh phân phối không thay đổi.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), loại hàng hóa trên không nằm trong phạm vi điều tra, nhưng có đặc điểm kỹ thuật và mục đích sử dụng không khác biệt đáng kể so với thép bị áp thuế. Việc này có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng hoạt động nhập khẩu nhóm thép HRC khổ rộng trên 1.880mm, nhằm ngăn ngừa tình trạng khai báo không chính xác hoặc cố ý lách thuế.
Các chuyên gia ngành thép ước tính, nếu áp theo mức thuế chống bán phá giá hiện tại (27,83%), lượng thép HRC khổ rộng nhập về trong nửa đầu năm 2025 đã khiến ngân sách thất thu khoảng 90 triệu USD, tương đương gần 2.300 tỷ đồng.
Hành vi lẩn tránh thuế này không chỉ làm suy yếu hiệu lực chính sách phòng vệ thương mại, mà còn tạo môi trường cạnh tranh méo mó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp trong nước và gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
Hiện tại, Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa Hà Tĩnh là 2 doanh nghiệp trong nước có khả năng sản xuất thép HRC. Hòa Phát vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 với doanh thu 74.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 23% so với cùng kỳ. Sản lượng bán thép HRC tăng 42% so với cùng kỳ.
Hòa Phát sẽ hoàn thành lò cao số 6, thuộc phân kỳ 2 của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 9/2025. Sau khi hoàn thành, sản lượng thép toàn tập đoàn sẽ đạt tổng cộng 16 triệu tấn/năm, trong đó có 9 triệu tấn thép HRC, đáp ứng 100% nhu cầu với sản phẩm này trên thị trường Việt Nam.