Kết phiên giao dịch ngày 6/12/2021, VN-Index hồi phục 10 điểm qua đó thu hẹp mức giảm về 29 điểm - tương ứng 1.413 điểm. Như vậy, so với mức đỉnh VN-Index đã giảm gần 100 điểm. Còn với HNX-Index đóng phiên vẫn giảm tới 2,99% xuống còn 435 điểm, UpCOM cũng giảm 2,6% còn 109 điểm. Màu đỏ bao trùm thị trường.
Riêng trên HOSE, 420 cổ phiếu giảm, gấp 8 lần số mã tăng trong đó có 59 cổ "nằm sàn". Cổ phiếu sàn la liệt đã đẩy vốn hoá của HOSE bốc hơi 115.840 tỷ đồng về mức 5,5 triệu tỷ đồng. Trước đó, phiên ngày 3/12, vốn hoá của HOSE cũng bốc hơi gần 150.000 tỷ đồng.
Như vậy tổng 2 phiên thứ 6 ngày 3/12 và hôm nay, vốn hoá của HOSE đã bốc hơi gần 265.000 tỷ đồng.
Như phân tích trước đó, nguyên nhân của chuỗi giảm điểm được lý giải như sau.
Thứ nhất, phiên hôm nay có thêm áp lực bán tháo vì áp lực giải chấp ở nhiều nhóm cổ phiếu thép, cổ phiếu đầu cơ ở mức rất cao do đà giảm mạnh trước đó.
Hiện tượng một số cổ phiếu đầu cơ giảm sàn 5 - 6 phiên liền nhưng tắc thanh khoản cũng tác động lớn đến các tài khoản dùng margin lớn. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện tượng căng margin ở một số tài khoản đặt ở các công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay cao và một số "kho margin" cho vay bên ngoài rất lớn.
Ông Minh phân tích, cú sụp đổ bất ngờ của thị trường giảm 39 điểm cuối phiên "thứ 6 đen tối" một phần đến từ sự sụp đổ của cổ phiếu đầu cơ - sàn 4,5 phiên không có thanh khoản khiến các đầu cho vay lớn nhanh chóng đổ bán ra các cổ phiếu khác để thu margin về.
Sở dĩ có hiện tượng này là hiện nay một số đầu cho vay lớn có quy định danh mục nhà đầu tư phải đa dạng vài cổ phiếu thì mới cho vay margin tỷ lệ cao - hạn chế rủi ro cho vay, trong trường hợp xấu họ có thể thu được nợ. Do đó, khi cổ phiếu đầu cơ sụp đổ không thanh khoản thì các đầu cho vay tỷ lệ cao này sẽ đổ cổ phiếu khác ra bán để thu nợ về, châm ngòi cho đà bán tháo trên thị trường.
Thứ hai, nhà đầu tư cá nhân đang là động lực chính dẫn dắt VN-Index. Ước tính từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng khoảng 105.000 tỷ đồng. Một thị trường được dẫn dắt với nhóm các nhà đầu tư cá nhân sẽ dẫn đến hiện tượng FOMO cả lên và cả xuống, phiên tăng mạnh - phiên giảm sốc do tâm lý không ổn định.
Điểm yếu của nhà đầu tư cá nhân là tâm lý rất yếu, vì vậy việc thị trường sụp cuối phiên khiến họ bất ngờ không hiểu chuyện gì xảy ra dẫn tới việc bán trước đã rồi tính sau. Tình trạng margin căng tại nhiều công ty chứng khoán, thị trường cần những cú rung rũ để tìm điểm cân bằng và kích thích dòng tiền mới tìm cơ hội đầu tư mới.
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh
Chứng khoán trong nước đi ngang, hội nhóm lừa đảo đầu tư cổ phiếu quốc tế nở rộ