Điểm nhấn lớn nhất của thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 chính là thanh khoản. Nhà đầu tư đang chán chứng khoán hay thanh khoản thấp là dấu hiệu tiết cung giá rẻ là câu hỏi lớn hiện tại.
Thị trường chứng khoán vừa bước qua phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022. Không có sự xáo trộn lớn về điểm số, không có sự bùng nổ về thanh khoản nhưng, thị trường chứng khoán đã chốt lại năm 2022 với 3 điểm nhấn lớn cần chú ý.
Điểm nhấn lớn nhất của thị trường chứng khoán phiên hôm nay (30/12/2022) đó chính là thanh khoản. HoSE chốt ngày giao dịch đạt chưa đầy 7.500 tỷ đồng được trao tay; HNX chưa đầy 608 tỷ đồng và UpCOM chỉ 600 tỷ đồng. Có lẽ, hôm nay là phiên giao dịch có thanh khoản thấp nhất từ nhiều năm nay của thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư chán thị trường chứng khoán? Có lẽ nhận định này chưa có cơ sở rõ ràng bởi lẽ, mỗi lần thị trường sôi động thì dường như, dòng tiền đã chờ sẵn để gom mua. Nếu quay lại những ngày đầu tháng 12 có thể thấy, dù thị trường chứng khoán đi qua những tháng ngày "sập" rất sâu nhưng giới đầu tư vẫn không sợ hãi, bắt đáy lớn nhất lịch sử mấy chục năm của thị trường chứng khoán. Trong downtrend, chúng ta đã nhìn thấy những phiên hàng tỷ cổ phiếu được giao dịch tức cao hơn cả giai đoạn tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng khoán vào năm 2021.
Thêm một lý do khác để có thể tin rằng nhà đầu tư không chán chứng khoán đó là thị trường chứng khoán phái sinh. Phiên cuối cùng của năm 2022, nhà đầu tư đã giao dịch được hơn 273 nghìn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 - VN30F các kỳ hạn năm sau. OI (Open Interest - Khối lượng hợp đồng mở) hiện vẫn duy trì ở mức "đỉnh" từ khi thị trường chứng khoán phái sinh thành lập với hơn 49.000 hợp đồng.
Nếu nhà đầu tư không chán chứng khoán thì điều gì đang diễn ra?
Câu hỏi lớn đó có 2 lời đáp.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng dòng tiền lớn đang thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư. Quay về thị trường chứng khoán hồi tháng 11 có thể thấy, thị trường chứng khoán đã có rất nhiều phiên giao dịch hàng tỷ cổ phiếu, nhà đầu tư ngoại cũng quay lại mua ròng mười mấy nghìn tỷ đồng sau chuỗi ngày bán ròng liên tục. Dòng tiền lớn của tháng 11 hiện đang đứng im, họ không thực hiện mua đuổi lên cũng không bán một cách rõ ràng. Kiên nhẫn là thứ mà thị trường đang thử thách tất cả người chơi.
Lời đáp thứ hai, theo một chuyên gia trên thị trường chứng khoán và đang theo xu hướng nhận định lạc quan thì sự èo uột của thanh khoản đang thể hiện Dấu hiệu tiết cung giá rẻ. Sau chu kỳ giảm sốc, những người bi quan nhất và những người vay nợ margin nhiều nhất đều đã bán ra hoặc bị ép bán ra ở vùng giá thấp nhất nhiều năm. Khoảng 2 tuần nay, nguồn cung cổ phiếu ở vùng giá rẻ nhất nhiều năm đã không còn "chảy mạnh" trên thị trường chứng khoán nữa.
Điểm nhấn lớn đáng chú ý trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 đó là mốc điểm VnIndex 1.000. Đây là điểm số mang tính cột mốc, tâm lý của giới đầu tư. Vỡ vùng điểm này, nhà đầu tư sẽ khó đo lường được đâu là đáy nhưng giữ được nó trong ngày cuối năm cho thấy, bên bán - bên mua đã khá cân bằng ở vùng 1.000 điểm.
Cùng với điểm số 1.000, thị trường chứng khoán đáng chú ý với việc không còn cảnh dư bán sàn lượng lớn trên cả thị trường chứng khoán. Kết thúc ngày giao dịch, Sàn HoSE có 209 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 189 mã giảm. Trong số 189 mã giảm giá hôm nay chỉ có 1 cổ phiếu thanh khoản rất thấp giảm sàn và trong số 209 mã tăng giá có đến 11 mã tăng trần đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Đáng chú ý là IBC - cổ phiếu vừa trải qua 26 phiên "đo sàn" liên tiếp đã giữ được phiên thứ 2 liên tiếp tăng trần với dư mua trần hơn 8 triệu cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, khối ngoại tuy cũng giao dịch "mờ nhạt" như khối nội về mặt giá trị nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy: Khối ngoại đã mua vào những cổ phiếu ngành "trụ" của thị trường chứng khoán.
Với Cổ phiếu ngân hàng: STB của Sacombank được khối ngoại mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu trong khi bán ra chỉ 435 nghìn đơn vị. VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank, SHB cũng được mua ròng lượng lớn.
Với cổ phiếu Chứng khoán: Các cổ phiếu ngành chứng khoán trước đến nay vẫn được coi là phong vũ biểu của thị trường đã được khối ngoại mua ròng lượng lớn. VND của VNDirect bất ngờ được khối ngoại mua ròng 1,8 triệu cổ phiếu; SSI, VCI, FTS cũng được khối ngoại gom mua.
Với cổ phiếu thép: HPG của Tập đoàn Hòa Phát hôm nay ghi nhận phiên mua ròng 3,8 triệu cổ phiếu của khối ngoại. Biến động của nhóm ngành thép hiện tại đang được giới đầu tư quan tâm sâu bởi lẽ, nó là một trong những thước đo quan trọng để đo mức độ phục hồi trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ bản, bất động sản.
Với bất động sản: DXG, BCM, VRE, NLG, VHM... cũng nhận được sự quan tâm đầu tư của khối ngoại. Ngành bất động sản đang đối mặt với những thách thức lớn nhưng cùng với đó, giá cổ phiếu ngành bất động sản đã giảm rất sâu. Việc dòng tiền ngoại quay lại mua ròng nhiều cổ phiếu bất động sản mang lại "ánh sáng cuối đường hầm" cho những nhà đầu tư đang bi quan với thị trường.
Tài sản "bốc hơi" mạnh, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam chỉ còn 6 người
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh
Chứng khoán trong nước đi ngang, hội nhóm lừa đảo đầu tư cổ phiếu quốc tế nở rộ