3 lần tim ngừng đập, 24 cuộc phẫu thuật, 891 ngày điều trị: Tâm nguyện còn lại của quân nhân duy nhất còn sống trong vụ rơi trực thăng năm 2014
Mất đi đôi tay, đôi chân và vô vàn đau đớn trên cơ thể, nhưng tâm khảm thương binh Đinh Văn Dương vẫn sáng mãi tinh thần người lính Cụ Hồ và nỗi nhớ khắc khoải về những người đồng đội đã khuất.
Trước khi gặp anh Dương ở ngoài đời, chúng tôi đã đọc nhiều câu chuyện và xem những bức ảnh của anh ở nhiều bài báo. Hình dung về một người thương binh mất đến 99% sức khỏe, những gì chúng tôi tưởng tượng là cử động sinh hoạt khó khăn, ngồi nói chuyện được đã là "kỳ tích" lắm. Thế mà, cảnh tượng diễn ra trước mắt, trong căn chung cư "bên kia cầu" Long Biên khiến chúng tôi mất một lúc mới định hình được: Đôi cánh tay không còn lành lặn, thành thạo điều khiển chiếc xe lăn ra mở cửa, bật điện, bật quạt… đón khách.
Anh phấn khởi khoe với chúng tôi, giờ đây tay anh đã bớt căng cứng, có thể vận động nhẹ nhàng. Bằng một mỏm tay chồi ra từ phần chi đã cắt bỏ, anh Dương nấu được cơm, dọn dẹp nhà cửa để vợ và con khi trở về không phải tất tả ngược xuôi. Người lính năm nào đã quen với việc dùng đôi tay không còn nguyên vẹn thuần thục lướt web, đọc báo để kết nối với thế giới bên ngoài. Lâu lâu, anh lại cần mẫn chăm sóc giàn lan ngoài ban công, để phần nào vơi đi những nỗi buồn khi chỉ có một mình... Dưới “bàn tay” anh, căn nhà chưa tới 70m2 luôn gọn gàng, sạch sẽ.
Ngồi trên xe chiếc lăn, anh Dương nhẹ nhấp một ngụm trà rồi kể về tháng 7 của 10 năm trước.
Ngày 7/7/2014, chiếc trực thăng Mi 171, số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân với 21 chiến sĩ đang trong giờ huấn luyện bất ngờ gặp sự cố, rơi xuống cánh đồng thuộc địa bàn thôn Hòa Lạc (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
“Sự cố này đã khiến cho 20 người đồng chí, đồng đội của tôi hy sinh. Mặc dù là người may mắn duy nhất sống sót sau tai nạn, nhưng ký ức về chuyến bay định mệnh ấy là khoảng ký ức buồn mà cả đời này tôi không thể quên được” - anh Dương bồi hồi kể lại giây phút sinh tử.
Tỉnh lại sau 3 lần tim ngừng đập, trải qua 24 cuộc phẫu thuật với 891 ngày điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia cùng sự giúp đỡ của nhiều y bác sĩ trong và ngoài nước, tai nạn năm đó khiến mặt anh biến dạng, mất toàn bộ hai chân, hai bàn tay và phải di chuyển bằng xe lăn.
“Sau khi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu, trí nhớ của tôi chỉ còn rất mơ hồ. Tôi chỉ có thể cảm nhận được những nỗi đau về mặt thể xác trên cơ thể mình. Mãi sau này, trải qua nhiều ngày điều trị, sức khỏe dần bình phục, tôi mới nhận thức được việc mình đã mất đi những người đồng chí, đồng đội thân thiết của mình. Đó thực sự là những tổn thất không gì có thể bù đắp được.
Dưới sự chăm sóc của các bác sĩ, sức khỏe của tôi đã dần phục hồi. Tôi mất 3 tháng để tập ngồi, 6 tháng tập đứng, tập đi trên đôi chân giả. Tôi luôn nghĩ còn sống thì phải có bổn phận, trách nhiệm sống để những đồng đội đã ngã xuống thấy an lòng", anh Dương nói.
Qua 1 thập kỷ, cơ thể vẫn còn chằng chịt những vết thương cũ nhưng anh Dương đã có thể trải qua cuộc sống gần như những người bình thường. Anh có thể sử dụng điện thoại, tự xúc ăn được bằng chiếc thìa gắn vào cổ tay, tự làm vệ sinh cá nhân và di chuyển bằng xe lăn đi giao lưu quanh chung cư.
Sâu thẳm trong anh vẫn là tinh thần của một người lính kiên cường và tâm hồn lạc quan. Chiều chiều, anh vẫn xuống sân chung cư để đi dạo, nói chuyện cùng hàng xóm, mọi người xung quanh. Cũng bởi thế mà trong khu chung cư, chỉ cần nhắc đến “anh Dương” là từ chú bảo vệ, cô lao công đến một người bất kỳ, ai cũng niềm nở, vui vẻ.
Thế nhưng, bị thương tật đến 99%, khả năng vận động bị hạn chế cũng như ảnh hưởng của tuổi tác đã khiến người lính mạnh mẽ năm nào cũng có lúc đau đớn, yếu đuối.
“Suốt thời gian dài không vận động, ăn uống, sinh hoạt theo chế độ của người bệnh khiến tôi mắc tiểu đường tuýp 2, gan nhiễm mỡ, đau dạ dày... Mỗi ngày, tôi phải uống cả vài chục viên thuốc các loại, tiêm insulin. Thậm chí, vào những ngày trái gió trở trời, cơ thể chỗ nào cũng đau đớn, có những ngày phải uống tới 20 viên thuốc để xoa dịu những cơn đau.
Những lúc đau ốm, bệnh tật, tôi may mắn vẫn được vợ bên cạnh chăm sóc, động viên và tìm những phương án điều trị tốt nhất. Mẹ và các con cũng ở bên khích lệ tinh thần càng thôi thúc tôi phải cố gắng để chiến đấu với bệnh tật”, anh Đinh Văn Dương tâm sự.
Ngồi trên xe lăn, mắt anh Dương hướng về 3 tấm bằng khen do Chủ tịch nước trao tặng được treo trang trọng trong nhà. Anh nhẹ nhàng tâm sự, từ nhỏ, trở thành người lính Cụ Hồ đã là ước mơ của anh. Giấc mơ ấy ngày ngày được ấp ủ, nung nấu, trải qua bao khó khăn và ngày một lớn dần theo năm tháng.
May mắn chưa mỉm cười với anh khi thi trượt Trường Sĩ quan Lục quân, nhưng với đam mê màu xanh áo lính, anh đã quyết tâm nhập ngũ, nỗ lực rèn luyện để trở thành một người bộ đội chuyên nghiệp.
“Dẫu biết nghề lính có nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí là phải đánh đổi, hy sinh nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ là người lính, vẫn muốn được chinh phục bầu trời, chọn được phục vụ cho Tổ quốc, cho nhân dân”, anh chia sẻ.
Suy tư trong giây lát, anh Dương nhớ lại những tháng ngày trong quân ngũ, đó là những ký ức anh không thể nào quên. Anh và những người đồng chí, đồng đội cùng nhau ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện, vui buồn có nhau, gắn bó với nhau hơn cả anh em ruột thịt.
“Người khiến tôi nhớ nhất chính là đồng chí quân nhân chuyên nghiệp Đặng Hồng Quang. Chúng tôi chơi thân với nhau và bay cùng chuyến huấn luyện ngày hôm đó. Trước khi bay, cả hai hẹn nhau sau khi kết thúc huấn luyện sẽ về ăn cơm tại nhà của một người bạn.
Chuyến bay hôm đó, đồng chí Quang đứng ngay phía trước tôi, cả hai cùng cười nói rất vui vẻ. Tôi vẫn nhớ như in nụ cười với chiếc răng sứt của người bạn, người đồng chí, đồng đội. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi tai nạn ập đến… Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, Quang và 19 người đồng chí, đồng đội của tôi đã ra đi mãi mãi”.
Hằng năm, cứ đến 27/7 và ngày Tết, Thượng úy Đinh Văn Dương và gia đình cùng về lại nơi chiếc máy bay huấn luyện bị rơi. Nơi đây, di ảnh 20 đồng đội của anh vẫn được đặt trang trọng trong nhà tưởng niệm do nhân dân địa phương xây dựng.
"Ở đó, đồng đội tôi được hương khói, chăm lo mỗi ngày. Nhìn di ảnh các đồng chí, đồng đội, lần nào tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhiều lúc nhớ đồng đội lắm… những người bạn, những đồng chí của tôi”.
Nhớ lại thời điểm bản thân mới tỉnh lại sau 4 tháng hôn mê, anh Dương vẫn trong tình trạng mơ hồ và không cảm nhận được bất kỳ điều gì. Mãi sau này, khi dần nhớ lại những ký ức cũ về những người đồng đội thì mới được mọi người báo tin, tất cả đồng đội của anh đã không còn. Chân tay anh bất động, chỉ còn dòng nước mắt ấm nóng chảy dài trên má.
Khi được hỏi về tâm nguyện, anh Dương không khỏi bồi hồi chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, mong muốn lớn nhất của tôi là có thể xây dựng một đài tưởng niệm những anh em đã hy sinh trang trọng, lịch sự hơn.
Tuy nhiên, sức khỏe và điều kiện bản thân không cho phép. Bên cạnh đó, các thủ tục chuyển đổi đất đai để có không gian xây dựng nhà tưởng niệm tại khu vực máy bay rơi vô cùng phức tạp do đó là một mảnh đất thổ cư và có nhiều chủ cùng sở hữu nên việc đổi đất, làm sổ đỏ cho khu vực xây dựng không gian thờ tự kiên cố cho những người đồng chí, đồng đội của tôi là không hề đơn giản.
Vì vậy, tôi tha thiết kêu gọi các các Bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể có thể xây dựng một đài tưởng niệm những anh em đã hy sinh. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn có thể duy trì được sức khỏe ổn định để có thể làm chỗ dựa tinh thần cho người thân của mình”.
Niềm an ủi lớn nhất với anh Dương lúc này chính là hai con anh ngày càng khôn lớn, thông minh và trưởng thành khỏe mạnh. Năm nay, con gái và con trai anh đều lần lượt lên lớp 9 và lớp 5, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi và phụ giúp bố mẹ một số việc nhà.
Vợ anh Dương hiện là điều dưỡng tại Bệnh viện Quân y 108. Chị từng là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác tại đơn vị; nay lại là người ủng hộ, đồng hành cùng chồng trong những lúc đau yếu, bệnh tật. Công việc bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian chăm lo từng viên thuốc, chuẩn bị dụng cụ y tế giúp chồng điều trị.
Anh Dương tâm sự: “Dù cơ thể không còn khỏe mạnh, nhưng may mắn, tôi có gia đình, bạn bè, đồng đội luôn bên cạnh giúp đỡ, động viên, mang lại niềm vui tinh thần để tiếp tục sống chiến đấu như người lính Cụ Hồ”.
Được có cơ hội gặp gỡ anh Đinh Văn Dương, chúng tôi càng thêm cảm phục, biết ơn và trân trọng những người lính đã không tiếc cống hiến tuổi xuân của mình vì sự bình yên, hòa bình của đất nước hôm nay. Thời gian vẫn trôi, nhiều thứ đã thay đổi, nhưng những cống hiến và hy sinh của những người lính vẫn còn mãi và là tấm gương to lớn cho thế hệ sau.
Thực hiện: Vĩ Hạ - Thùy Dung