Vùng đất hiếm hoi không có người hy sinh sau 3 cuộc chiến tranh của dân tộc và lời thề ‘nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực’ của người lính Cụ Hồ
“Chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc... đi rất nhiều nhưng đi đến nơi về đến chốn, chỉ có bị thương thôi chứ hy sinh thì không có”.
Sau những năm tháng kháng chiến gian khổ, đất nước ta đã giành được độc lập, thống nhất. Thế nhưng, trên khắp mọi miền quê hương, những ngôi mộ liệt sĩ trầm mặc như lời nhắc nhở về những hy sinh cao cả.
Giữa muôn vàn câu chuyện về sự mất mát, có một ngôi làng nhỏ bé lại mang trong mình một câu chuyện kỳ diệu: nơi đây, đã có hàng chục người con lên đường nhập ngũ, chiến đấu vì độc lập, tự do, nhưng không một ai phải ngã xuống. Đó là làng Nguộn - một ngôi làng nhỏ nằm ở xã Dương Thành (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), cách thủ đô Hà Nội gần 60km.
Lời thề “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”
Theo sự dẫn đường của cán bộ văn hóa xã Dương Thành, chúng tôi đến xóm Nguộn trong sự chào đón nồng hậu của các cựu chiến binh. Những người lính năm nào nay đã trên dưới 80 tuổi, trên khuôn mặt đã nhuốm màu thời gian, chân tay đã có phần già nua do ảnh hưởng của tuổi tác. Thế nhưng khi nhắc đến quê hương mình, trong những đôi mắt ấy không khỏi ánh lên sự tự hào, kiêu hãnh.
Trong 3 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, đã có 26 người con của xóm Nguộn đã dũng cảm lên đường bảo vệ Tổ quốc, đánh Nam dẹp Bắc với một ý chí sắt đá "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Những người lính đã trải qua bao hiểm nguy, đối mặt với bom đạn, nhưng thật kỳ diệu, tất cả đều bình an trở về.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Thưởng, trưởng xóm Nguộn và cũng là một cựu chiến binh: “Chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc... đi rất nhiều nhưng đi đến nơi về đến chốn, chỉ có bị thương thôi chứ hy sinh thì không có”.
Từng là một người lính tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên trong những năm tháng khốc liệt rồi lại vào chiến trường miền Nam suốt 10 năm, ông Nguyễn Xuân Tấc (sinh năm 1944) may mắn trở về quê hương. Ông nhớ lại: “Tôi là lính vận tải, vận chuyển đạn dược, thực phẩm qua dãy Trường Sơn. Khi đó quân ta đi trong rừng nên địch rất khó để phát hiện, vì thế, chúng đã rải hàng triệu chất diệt cỏ có chứa chất cực độc xuống các thôn làng, đồng ruộng, rừng cây… Lúc đấy có ai biết gì đâu, cứ thấy hắt hơi rồi chảy nước mắt, mồ hôi lại lấy áo mà lau; tóc, lông tay, lông chân cũng rụng hết”.
Trong những năm tháng chiến đấu, không ít lần ông Tấc cùng đồng đội phải trải qua những phút giây nguy hiểm cận kề. Ông nhớ lại, có lần khi cùng hai đồng đội mắc võng nghỉ ngơi giữa rừng, ông bất ngờ bị đánh thức bởi tiếng nổ lớn, nhìn sang thì người đồng đội nằm cạnh ông đã hy sinh do bị bom địch rơi trúng. Người lính lúc bấy giờ vô cùng bàng hoàng, hốt hoảng. “Đó là trận chiến ác liệt nhất, là ký ức tôi không bao giờ quên. Nhưng nghĩ lại, ‘nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực’, đã ra đến đây rồi thì phải chiến đấu đến cùng”, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tấc bồi hồi nói.
Từng là một người lính tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị khốc liệt vào đầu những năm 70, trên cằm cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiêm (sinh năm 1953) vẫn còn lưu lại một mảnh đạn và vô số vết thương trên lưng, trên vai. Ông Chiêm chia sẻ, trong những năm tháng mưa bom bão đạn, dù bị thương nhưng để không ảnh hưởng đến đồng đội chiến đấu, ông phải tự tìm đường về, đi suốt từ 7h tối đến 4h sáng mới tới hậu cứ. Sau khi vết thương vừa lành, ông lại tiếp tục xung phong quay lại đơn vị, chiến đấu cùng đồng đội. Mãi đến năm 1976, khi hòa bình lập lại, ông mới ra quân.
“Tròn 3 năm sau ngày giải phóng, tôi vinh dự được nhận Huân chương Giải phóng hạng Ba. Sau này, tôi được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương 81 ngày đêm Quảng Trị…”, ông Chiêm không khỏi tự hào nhớ lại.
Dù may mắn không có liệt sĩ nhưng những nỗi đau của chiến tranh vẫn hiển hiện nơi xóm làng thanh bình. Chiến tranh đã khiến cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1956) bị thương ở chân, đến giờ, chân ông vẫn không thể đi lại bình thường. Chất độc da cam còn ảnh hưởng, khiến con trai ông Quân bị sùi xương bẩm sinh.
Những người lính ở xóm Nguộn cho rằng, việc họ rời làng quê đi chiến đấu, có cơ hội trở về với gia đình, chủ yếu là do sự may mắn và nghiêm túc chấp hành những kỷ luật thép trong quân đội. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng mảnh đất quê hương là một vùng đất linh thiêng, bởi thế mà nhân dân trong vùng thường có câu “nhất Nhân Lý, nhì Lý Liễu” (Nhân Lý và Lý Liễu là hai xóm cổ của xã Dương Thành, trong đó, Nhân Lý là tên gọi từ thời phong kiến của xóm Nguộn).
Diện mạo mới của xóm Nguộn hôm nay
Xóm Nguộn hiện có 79 hộ với khoảng 350 nhân khẩu. Từ một làng quê nghèo, người dân trong xóm nay đã có cuộc sống ổn định, thoải mái, kinh tế ngày càng đi lên. Trong xóm hiện nay 70% là nhà cao tầng, chỉ còn một hộ cận nghèo.
Xóm Nguộn đã có đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của xã Dương Thành. Kết quả, năm 2018 xã đạt xã Nông thôn mới, năm 2022 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao và năm nay 2024 xã đã xây dựng kế hoạch và phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Dương Thành cho biết: “Xã là một trong những địa phương có nhiều con em tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trên địa bàn xã có 14 xóm, trong đó có xóm Nguộn - một xóm rất đặc biệt dù trải qua các quốc chiến khốc liệt chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới… nhưng không có đồng chí nào hy sinh”.
Chủ tịch UBND xã Dương Thành cho biết thêm, xã có quỹ chuyên dùng để phục vụ cho những ngày thăm hỏi, động viên, tặng quà cho những người có công với cách mạng. Vào dịp Tết và ngày 27/7 hàng năm, xã sẽ đến thăm hỏi, tặng quà trực tiếp cho các hộ tiêu biểu, những người mà già yếu.
Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng lửa đạn vẫn còn in đậm trong tâm trí của thế hệ những người lính Cụ Hồ. Họ đã không ngần ngại hy sinh tuổi trẻ, sức khỏe của mình để bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong thời bình, những người lính ấy vẫn tiếp tục cống hiến, góp phần xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh.
Tinh thần yêu nước, cống hiến của những người lính Cụ Hồ đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ. Dù đã trải qua những khó khăn, gian khổ, họ vẫn luôn giữ vững khí tiết, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Và truyền thống ấy vẫn được tiếp nối bởi thế hệ trẻ, những người con của xóm Nguộn, họ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, sẵn sàng tiếp nối sự nghiệp của cha anh.
Xóm Nguộn hôm nay như một bức tranh tươi mới, đang từng ngày khoác lên mình một diện mạo hiện đại. Những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, những con đường làng được trải bê tông phẳng lì. Với tinh thần đoàn kết, người dân xóm Nguộn đã cùng nhau xây dựng một quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng của cha ông.
>> Tôi về thăm cội nguồn phát tích Ngày Thương binh - Liệt sĩ, xúc động đọc bức thư của Bác Hồ