3 năm kiên trì đòi lại số tiền lớn do chuyển khoản nhầm, người phụ nữ nhận phán quyết không ngờ từ tòa án
Vụ việc đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời điểm đó.
Tháng 7/2012, một người phụ nữ họ Ngưu ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã bất cẩn chuyển nhầm 795.000 nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ đồng) vào tài khoản của một người lạ. Ngay sau đó, bà Ngưu đến ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ thu hồi số tiền.
Tuy nhiên, ngân hàng cho biết, họ không liên quan và tài khoản người nhận cũng đã bị đóng băng nên không giải quyết được.
Theo phía ngân hàng, tài khoản nhận tiền thuộc về một người đàn ông họ Chung. Do người này từng có giao dịch bất thường nên đã bị ngân hàng đóng băng tài khoản từ năm 2011.
Do đó, ngân hàng chỉ có thể phối hợp với cảnh sát hỗ trợ bà Ngưu liên lạc với ông Chung để đòi lại tiền. Nhưng khi tìm theo địa chỉ đăng ký, người này đã chuyển đi từ lâu, không ai biết rõ về thông tin hiện tại.
Sự việc đi vào ngõ cụt, đến tháng 5/2013, bà Ngưu đệ đơn kiện lên tòa án Dương Đông (tỉnh Quảng Đông), yêu cầu ông Chung trả lại 795.000 nhân dân tệ mà bà đã chuyển nhầm. Đến tháng 7 cùng năm, theo báo cáo từ Phòng đăng ký hộ khẩu của công an thành phố, tòa án cho biết không tìm thấy bất cứ thông tin nào về người họ Chung.
Cuối cùng, tháng 11/2015, tòa án bác bỏ đơn kiện của bà Ngưu với lý do không thể xác minh danh tính và địa chỉ thực sự của người nhận. Vì vậy, vụ kiện không đủ điều kiện tiến hành.
Bà Ngưu nhiều lần khởi kiện để đòi lại 795.000 nhân dân tệ chuyển khoản nhầm. Ảnh minh họa |
Trong suốt 3 năm, bà Ngưu vẫn kiên trì đòi lại số tiền dù không có kết quả. Cuối năm 2016, bà Ngưu tiếp tục gửi đơn đến tòa án kiện ngân hàng, đề nghị hoàn trả số tiền chuyển nhầm. Vụ việc đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời điểm đó.
Tuy nhiên, đơn kiện của bà một lần nữa bị bác bỏ vì cho rằng đây là yêu cầu không chính đáng. Ngân hàng lập luận rằng họ không thu được lợi ích gì từ vụ việc và không có hành vi trục lợi trái phép.
Ngân hàng không phải là chủ tài khoản mà chỉ là người quản lý tài khoản. Từ năm 2011, ngân hàng đã đóng băng tài khoản vi phạm của ông Chung theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, họ không có nghĩa vụ ngăn việc bà Ngưu chuyển khoản cho ông Chung. Sau khi bị đóng băng, số tiền trong tài khoản không thể sử dụng và không có khả năng thu được bất kỳ khoản lãi nào.
Đồng thời, ngân hàng cũng chỉ ra, số tiền bà Ngưu chuyển nhầm là rất lớn, nên người gửi có trách nhiệm xem xét kỹ trước khi xác nhận giao dịch. Việc không kiểm tra chính xác số tài khoản và tên người nhận trước khi chuyển tiền là điều không bình thường. Trong trường hợp này, lỗi sai thuộc về bà Ngưu.
Tòa án sau đó nhận thấy danh tính và địa chỉ của bị cáo “Chung” đều là giả mạo, không thể xác minh thân thế thật của người này. Ngoài ra, các luận điểm phía ngân hàng đưa ra đều xác đáng, phần lỗi chuyển nhầm hoàn toàn thuộc về bà Ngưu. Cuối cùng, tòa án chính thức bác bỏ đơn kiện của bà Ngưu, kết thúc vụ việc kéo dài nhiều năm.
Thẩm phán thụ lý vụ việc nhấn mạnh, người chuyển tiền chỉ có quan hệ pháp luật dân sự với chủ tài khoản nhận tiền. Ngân hàng, với tư cách là người quản lý tài khoản không có quyền và nghĩa vụ dân sự với người gửi tiền.
Trước khi chuyển tiền, người chuyển cần kiểm tra kỹ và xác nhận số tài khoản nhận tiền, cũng như tên người nhận để tránh chuyển nhầm. Trong trường hợp chuyển nhầm, người dân cần khẩn trương liên hệ công an, yêu cầu phong tỏa tài khoản nhận hoặc khởi kiện kịp thời để giảm thiểu thiệt hại.
Theo Yangjiang Court