3 tác dụng của cây cu li hay gây hiểu nhầm
Phần rễ của cây cu li thường được được dùng để cầm máu nhưng nhiều người lầm tưởng đó là lông của con cu li.
Cây thuốc cu li có tên đầy đủ là cây lông cu li còn được gọi là kim mao cẩu tích, cẩu tồn mao, cây lông khỉ. Đây là loài dương xỉ mộc, có khi cao tới 2m. Cây mọc hoang khắp miền rừng núi châu Á, trong đó có Việt Nam. Một số nhà vườn đã ươm cây để bán làm cảnh.
Người dân trước đây thường dùng phần lông của cây để cầm máu. Dù thói quen này rất phổ biến nhưng không ít người vẫn tưởng đó là lông của con cu li. Thực tế, tên gọi của cây bắt nguồn từ phần gốc rễ có lông tơ màu vàng bao phủ, trông tựa như như con cu li.
Tên gọi cẩu tích cũng có lý giải tương tự. Cẩu là con chó, tích là lưng. Phần thân rễ của cây nhìn thoáng qua khá giống lưng của con chó.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, cây cu li có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào cuối thu sang đông. Cây có vị đắng, ngọt, tính ôn, vào 2 kinh can và thận; tác dụng bổ can thận, mạnh lưng gối, trừ phong thấp, chữa phong hàn, lưng đau chân mỏi, tiểu khó.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), thân rễ culi chứa 30% tinh bột, lông culi chứa tannin và sắc tố. Phân lập từ thân rễ ghi nhận nhiều hợp chất như β-sitosterol, acid stearic, daucosterol, acid protocatechuic, acid cafeic.
Trong dân gian, cây được sử dụng với 3 mục đích chính:
Cầm máu: Phần lông vàng phủ xung quanh thân rễ cây được dùng để cầm máu, liền các vết đứt tay chân, vết thương nhỏ.
Chữa thận hư, lưng đau mỏi: Sử dụng cu li với thục địa, đỗ trọng, ô dược, dây tơ hồng, kim anh… sắc uống.
Chữa phong thấp, chân tay tê bại: Dùng culi với ngưu tất, mộc qua, tang chi, tùng tiết… sắc uống.
Tuy nhiên, các bài thuốc trên đều chỉ lưu truyền trong dân gian. Nếu muốn sử dụng, bạn cần tham khảo ý kiến của các thầy thuốc có chuyên môn.
Trong khi cây culi có tác dụng chữa bệnh thì con vật cùng tên lại có thể lây nhiễm độc qua vết cắn. Cu li có bề ngoài hiền lành, mắt tròn to, lông vàng óng nhưng có tuyến nọc độc ở khuỷu chân. Con vật hay dùng miệng liếm nọc độc để làm sạch lông. Nọc độc kết hợp với nước bọt khiến người bị cắn nhiễm độc.
Người bị cu li cắn có thể đau buốt, rối loạn cảm giác, đau đầu, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi, khó chịu. Tháng 4 vừa qua, 1 người đàn ông được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn sau khi bị cu li cắn. Bệnh nhân có biểu hiện phản vệ độ 2, rối loạn đông máu.
Top 6 cây thuốc quý được Bộ Y tế khuyến cáo cần kiểm soát
11 loại cỏ mọc ven đường là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận