11 loại cỏ mọc ven đường là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận
Đây đều là những loại cây phổ biến, thậm chí mọc dại ở ven đường nên người dân rất dễ tìm kiếm.
Bộ Y tế đã công bố tài liệu hướng dẫn nhận biết 70 loại cây thuốc được sử dụng trong khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Nhiều loại trong số đó chính là những loài cỏ mọc dại ven đường mà chúng ta thường thấy. Tuy nhiên, khi sử dụng, người dân cần hỏi ý kiến của các thầy thuốc có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi còn được gọi là cỏ mực, hạn liên thảo, lệ trường, phong trường, thuộc họ cúc. Thân cây có lông, lá mọc đối, hình xoan dài, có lông hai mặt, hoa trắng nhỏ. Đặc điểm nổi bật của cây này là khi vò nát có màu đen như mực nên có tên gọi là cỏ mực.
Theo Đông y, cỏ nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính mát; vào các kinh can và thận, giúp bổ âm, bổ thận, làm mát và cầm máu. Nó thường được dùng để điều trị các bệnh như chảy máu cam, tiểu ra máu, băng huyết, viêm gan mạn tính và trẻ em suy nhược.
Theo các nghiên cứu hiện đại, cỏ nhọ nồi hàm chứa các chất dầu bay hơi, chất làm mềm da, vitamin PP, Vitamin A, tanin... Chất tanin trong cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu rất tốt. Loại cây này có tác dụng diệt một số tụ cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn viêm ruột và có tác dụng nhất định đối với amip; tăng cường miễn dịch, ức chế ung thư, cải thiện quá trình tuần hoàn máu ngoài da (đặc biệt là da đầu), nhờ vậy da dẻ trở nên mịn màng, râu tóc đen mượt.
Cỏ tranh
Cỏ tranh có tên gọi khác là cỏ tranh săng, nhả cà, bạch mao căn... Tên khoa học: Imperata cylindrica (L.) Beauv. Đây là một trong số các vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.
Theo Đông y, rễ cỏ tranh vị ngọt, tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt. Nó còn giúp tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt; chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu. Nhưng có lẽ, tác dụng được nhiều người nhắc đến nhất ở loại thảo dược này chính là hỗ trợ điều trị bệnh thận.
Các nghiên cứu cho thấy, rễ cỏ tranh có tác dụng tương đối tốt trong việc hỗ trợ điều trị viêm thận cấp, giúp rút ngắn thời gian điều trị. Đối với viêm thận mạn tính, rễ cỏ tranh với tác dụng lợi niệu, tiêu thũng và hạ huyết áp nhất định.
Cỏ xước
Dân gian thường dùng cây cỏ xước tươi để hoạt huyết tiêu viêm, nếu dùng khô hoặc rang vàng hạ thổ lại có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, mạnh gân cơ, trừ thấp qua con đường tiểu tiện, do đó cỏ xước có tác dụng chữa sỏi thận, đau lưng do sỏi thận.
Theo y học hiện đại, cỏ xước có tác dụng hỗ trợ tăng cường khả năng tổng hợp protein trong cơ thể, và có tính lợi tiểu. giúp bồi bổ kích thích cho thận. Ngoài ra có thể bổ gan, giảm cholesterol trong máu, giảm đau, kháng viêm, giảm sưng, điều trị xương khớp.
Cỏ mần trầu
Đây không chỉ là bài thuốc truyền miệng mà nó có tên trong sách dược liệu của nhiều quốc gia.
Cỏ mần trầu có thể được sử dụng để nấu nước uống thanh nhiệt, giải cảm, chống táo bón, giảm cân. Không chỉ có tác dụng làm mát cơ thể, cỏ mần trầu còn có thể được sử dụng để pha trà hoặc chế biến thành cao để đắp mặt, làm đẹp da. Một số thầy thuốc Đông y đã khuyến khích việc sử dụng loại cây này như một phương pháp thải độc, tăng cường sức khỏe.
Cỏ sữa lá nhỏ
Loại cây này mọc dại trong vườn, ngoài bờ ruộng, là vị thuốc có tác dụng chữa một số bệnh thay thế cho thuốc Tây y rất tốt. Người dân có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hè khi cây có hoa. Sau khi thu hái, bà con rửa sạch, sử dụng tươi hoặc phơi khô dùng dần
Theo y học cổ truyền, cỏ sữa lá nhỏ có vị nhạt, hơi chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, thông huyết, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, kháng khuẩn, thông sữa. Dung dịch cỏ sữa có tác dụng ức chế sự sinh sản của các loại vi trùng lỵ và chủng vi khuẩn tụ cầu vàng. Do đó, cỏ sữa lá nhỏ thường được dùng để trị bệnh đường ruột, bệnh ngoài da, thông sữa, tăng tiết sữa…
Cam thảo đất
Đây là cây ưa ẩm và ưa sáng, song có thể hơi chịu bóng; thường mọc trên đất ẩm, lẫn với các cây cỏ nhỏ khác ở ven đường đi, các bãi hoang quanh làng, bãi bồi ven sông, nương rẫy và ven đồi.
Cam thảo đất là dược liệu có tác dụng kháng viêm, hạ sốt, kháng khuẩn, diệt ký sinh trùng sốt rét, hạ đường huyết, ức chế chất thúc đẩy khối u TPA, gây độc 6 dòng tế bào ung thư dạ dày (SCL, SCL-6, SCL-37'6, SCL-9, Kato-3 và NUGC-4), hợp lực với acyclovir và ganciclovir...
Cây chó đẻ răng cưa
Cây thường mọc hoang ở ven đường, những cánh đồng khô, vùng đất hoang hoặc bìa rừng dưới độ cao 600m. Theo Đông y, cây chó đẻ có vị đắng, hơi ngọt, là vị thuốc có tính mát, có khả năng thanh can nhiệt, lợi tiểu, lương huyết, giải độc, sát trùng.
Theo kinh nghiệm người dân nhiều vùng thì cây chó đẻ được dùng để trị mụn nhọt, giải độc rắn cắn, vừa dùng ngoài vừa uống trong được. Đặc biệt, loại cây này có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh gan, bệnh ngoài da, tiểu đường, viêm ruột, viêm phụ khoa…
Không chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền, cây cũng đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và được ứng dụng trong nhiều chế phẩm chữa bệnh như điều trị viêm gan, các bệnh tiêu hóa, hạ đường huyết, giảm đau…
Cây mã đề
Trong y học cổ truyền Việt Nam, mã đề được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam.
Theo Báo điện tử VOV, Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, cây mã đề rất giàu chất đạm cùng các chất dinh dưỡng, bao gồm beta carotene, canxi, vitamin C và K, các dưỡng chất thực vật như allantoin, apigenin, aucubin, baicalein, axit oleanolic, sorbitol và tanin. Trong đó, beta carotene giúp tăng cường thị lực và chống lại ung thư, canxi giúp xương chắc khỏe và là một yếu tố cần thiết cho hệ thần kinh khỏe mạnh, vitamin C giúp chống lại ung thư và giảm căng thẳng, vitamin K cần thiết cho máu và sức khỏe của mạch máu…
Ở Việt Nam lá cây mã đề non được dùng làm rau như các loại rau cải khác.
Nhân trần
Nhân trần tên gọi khác là chè nọi, chè cát, hoắc hương núi, tên khoa học Adenosma caerinleum.R.Be, thuộc họ hoa mõm chó.
Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng cay, tính hơi hàn, quy kinh tỳ, vị, can, đởm. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, chủ thống lợi tiểu, thoái hoàng, làm ra mồ hôi được ứng dụng điều trị bệnh hoàng đởm sốt nóng, tiểu tiện không thông rất tốt.
Theo y học hiện đại, nhân trần giúp hỗ trợ điều trị viêm gan cấp, đặc biệt là viêm gan cấp do virus, giúp chỉ số men gan, bilirubin về ngưỡng bình thường, giúp giảm vàng da, hết đau vùng gan, ăn ngon miệng hơn.
Rau má
Rau má, tích tuyết thảo, còn có tên là liên tiền thảo (pennywort) vì lá tròn như những đồng tiền kim loại, tên khoa học là Centella asiatica (L.) thuộc họ Hoa tán Umbelliferae.
Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ Vị có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Đông y thường dùng rau má làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy.
Rau má cũng có tác dụng làm giảm tác dụng an thần khi dùng với các loại thuốc cảm lạnh và ho, hoặc khi uống rượu. Dùng quá nhiều rau má và kéo dài có thể gây biến chứng cho một số tế bào máu, tế bào gan, tế bào thận…
Rau sam
Trong Đông y, rau sam cũng trở thành phương thuốc vườn nhà trị các bệnh thường gặp. Đây là rau dễ sống có thể phát triển ở vùng đất khô cằn. Quan niệm Đông y cho rằng rau sam có vị chua, tính lạnh, không có độc tính có thể dùng làm rau ăn tươi hoặc phơi khô làm thuốc sắc uống.
Rau sam dùng chủ trị các bệnh như kiết lị, mụn nhọt, tiểu ra máu. Loại rau này còn giúp thanh nhiệt, giải độc. Bạn có thể dùng rau sam nấu canh, luộc hoặc dùng luộc chung với rau muống, rau cải, rau dền.
>> 5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận