31.000 khách hàng bị cô lập vì lũ, Viettel chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản để hỗ trợ khẩn cấp
Viettel sẵn sàng triển khai máy bay không người lái (drone) tích hợp thiết bị truyền dẫn vệ tinh để phục vụ công tác cứu hộ.
Chiều 24/7, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết đã hoàn tất việc cộng tiền vào tài khoản cho hơn 31.000 thuê bao tại các khu vực bị cô lập do lũ lụt ở Nghệ An. Mỗi khách hàng được hỗ trợ 20.000 đồng để đảm bảo duy trì liên lạc trong tình huống khẩn cấp, phục vụ nhu cầu gọi điện, nhắn tin và truy cập internet khi điều kiện đi lại gần như tê liệt.
Trước đó, khi bão Wipha bắt đầu được cảnh báo sẽ đổ bộ, Viettel đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ gần 4 triệu khách hàng ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. Từ việc khuyến mại 20% giá trị nạp thẻ để dùng cho data, đến việc hoãn chặn cước, tạm dừng thu phí dịch vụ, hay giới thiệu các gói cước linh hoạt nhằm giữ kết nối thông suốt giữa người dân, lực lượng cứu hộ và cơ quan chức năng.
![]() |
Các lực lượng kỹ thuật Viettel sẵn sàng ứng cứu thông tin. Ảnh Viettel |
Không dừng lại ở đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viettel đã mở roaming khẩn cấp tại những vùng bị chia cắt, cho phép người dùng thuộc mọi nhà mạng có thể sử dụng hạ tầng sóng Viettel để duy trì liên lạc. Ban đầu chỉ có 16 xã biên giới Nghệ An được áp dụng roaming, đến nay con số đã nâng lên 27 xã – tạo vành đai kết nối xuyên biên cho hàng chục nghìn thuê bao đang mắc kẹt trong vùng lũ.
Trong những địa bàn hiểm trở, nơi phương tiện truyền thống không thể tiếp cận vì lở núi, ngập sâu hay bị chia cắt hoàn toàn, Viettel đang sẵn sàng triển khai máy bay không người lái (drone) tích hợp thiết bị truyền dẫn vệ tinh. Bay ở độ cao hàng trăm mét, drone sẽ tạo ra vùng phủ sóng có bán kính 6 km – một giải pháp cứu cánh cho những điểm "chết sóng", đảm bảo liên lạc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ người dân.
Cùng với đó, các đội ứng cứu của Viettel cũng đang được tăng cường tối đa, từ sửa chữa tuyến cáp, trạm phát sóng, xử lý sự cố thuê bao băng rộng đến vận chuyển và lắp đặt máy phát điện. Vật tư và thiết bị thay thế được dự phòng sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh, bảo đảm tốc độ phản ứng nhanh nhất có thể.
Đây không phải lần đầu tiên Viettel thể hiện vai trò của mình trong thiên tai. Trong bão Yagi năm ngoái, doanh nghiệp này từng chi hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và chính quyền, trong đó 20 tỷ đồng được nộp vào quỹ của Bộ Quốc phòng, phần còn lại dùng để triển khai các dịch vụ khẩn cấp như vận chuyển hơn 7.500 tấn hàng hóa, mở các điểm sạc pin miễn phí, tặng data, hỗ trợ khách hàng bị mất điện và hạ tầng viễn thông.
Loạt 'siêu vũ khí' do Viettel phát triển sẽ xuất hiện tại lễ diễu binh sắp tới
Viettel triển khai máy bay không người lái tại Quảng Ninh để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt