Trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chính có đến 35 nhóm hàng tăng trưởng âm, chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2023, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới đều giảm mạnh khiến kim ngạch xuất khẩu của nước ta chỉ đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực đầu tư trong nước giảm 17,4%, khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 10%.
Trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chính có đến 35 nhóm hàng tăng trưởng âm, chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu. Trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm mạnh, ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, nhóm sản phẩm vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,8 tỷ USD, giảm 10,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, giảm 3,7%.
Các sản phẩm chủ lực như dệt may chỉ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,4%; giày dép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 18,6%; sắt thép các loại đạt 1,63 tỷ USD, giảm 28,8%.
Nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản sau một năm tỏa sáng cũng giảm mạnh trong quý đầu năm. Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; thuỷ sản đạt 1,85 tỷ USD, giảm 27%, đầu vào sản xuất đạt 458 triệu USD, giảm 26,8% …
Trong khi đó, chỉ có số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với quý I/2022 như giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,4%; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh tăng 63%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%; rau quả tăng 10,6%; gạo tăng 30,2%.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực cũng sụt giảm đáng kể như: Trung Quốc giảm 13,8%; Mỹ giảm 21,6%; Hàn Quốc giảm 5,5%; châu Âu giảm 10,8%…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu quý 1 cũng lao dốc, ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ 2022. Do nhập khẩu giảm mạnh, kết thúc quý I, cán cân thương mại hàng hoá vẫn duy trì thặng dư với giá trị xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao hơn mức 1,9 tỷ USD của năm 2022 và 2,5 tỷ USD của năm 2021.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% với kim ngạch dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so với năm 2022. Với tình hình thế giới vẫn còn ảnh hưởng bởi lạm phát, xung đột Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dự báo hoạt động xuất khẩu thời gian tới còn nhiều thách thức.