Vĩ mô

4 trụ cột tăng trưởng để 'thủ phủ của Tây Nguyên' bứt phá nhanh, bền vững và toàn diện

Phúc Lam 21/08/2024 - 12:39

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn trong 7 tháng đầu năm 2024.

Tại cuộc làm việc, các ý kiến tập trung phân tích các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, dân số, tài nguyên du lịch, di tích văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng. Những lợi thế trên là cơ hội vàng để Đắk Lắk vươn mình phát triển về kinh tế-xã hội trong thời gian qua.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã gặt hái được nhiều những thành tích ấn tượng trong thời gian qua. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 15.600 tỷ đồng, tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 1,13 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 295 triệu USD, tăng 33,1%.

Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu đáng ghi nhận của tỉnh được mệnh danh là "thủ phủ của Tây Nguyên" trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra rằng Đắk Lắk vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Kết cấu hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt là hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn lớn; mặc dù tiềm năng phong phú, nhưng cơ chế chính sách hiện tại còn hạn hẹp; bên cạnh đó, tỉnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh và quốc phòng.

4 trụ cột tăng trưởng để 'thủ phủ của Tây Nguyên' bứt phá nhanh, bền vững và toàn diện

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính vì vậy, Thủ tướng đã đề ra mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân tỉnh Đắk Lắk, hướng tới mức trung bình khá của cả nước qua phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế, cùng với việc phát triển Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của Tây Nguyên và cửa ngõ quốc tế, nâng cao liên kết vùng và đẩy mạnh quá trình hội nhập.

Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, củng cố quốc phòng và an ninh, và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp, và khu dịch vụ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giảm chi phí logistics.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng sau để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững và toàn diện.

- Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu

- Công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn

- Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi

- Dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng cũng chỉ rõ các phương hướng và nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

- Rà soát và thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết liên quan và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội. Tỉnh cần bám sát đường lối, hoàn thành mục tiêu năm 2024 và cả nhiệm kỳ, với các giải pháp đột phá cho những mục tiêu khó đạt.

- Triển khai quy hoạch tỉnh đồng bộ, kết nối với quy hoạch quốc gia và vùng Tây Nguyên, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết.

- Phát triển kinh tế, tạo việc làm, đẩy mạnh sản xuất, và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh,...

- Huy động nguồn lực tối đa, cải thiện hạ tầng giao thông và du lịch, và đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh và của vùng Tây Nguyên để kết nối và khai thác hiệu quả tối đa cảng hàng không Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, hướng tới mô hình phát triển xanh và bền vững; kết hợp với phát triển liên kết chuỗi du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền trung và các nước Lào, Campuchia.

Đồng thời, kinh tế lâm nghiệp cần được phát triển gắn với nhiệm vụ phát triển, bảo vệ rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon.

- Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Công dịch vụ công quốc gia.

- Phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

- Quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên nước và sử dụng công nghệ cao để quy hoạch hồ chứa nước nước và trạm bơm hợp lý.

- Đảm bảo an ninh chính trị, xây dựng quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

- Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.

Các nhiệm vụ này nhằm mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, và đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn và phát triển của vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng khẳng định rằng các địa phương đóng vai trò chủ đạo và phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, và hiệu quả trong việc triển khai dự án, kế hoạch. Các Bộ, ngành cần tích cực hợp tác, chủ động hỗ trợ để giải quyết mọi khó khăn và vướng mắc, cùng địa phương vượt qua các thách thức và đạt được các mục tiêu đề ra.

>>Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư chúc mừng Thủ tướng Vương quốc Thái Lan

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/4-tru-cot-tang-truong-de-thu-phu-cua-tay-nguyen-but-pha-nhanh-ben-vung-va-toan-dien-245853.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
4 trụ cột tăng trưởng để 'thủ phủ của Tây Nguyên' bứt phá nhanh, bền vững và toàn diện
POWERED BY ONECMS & INTECH