5 bài thuốc thảo dược từ bác sĩ giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng mùa mưa
Dưới đây là 5 bài thuốc thảo dược quen thuộc giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng hiệu quả trong mùa mưa và các lưu ý quan trọng.
Mùa mưa, thời tiết ẩm thấp luôn là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây dị ứng phát triển, làm cho tình trạng viêm mũi dị ứng trở nên trầm trọng hơn. Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ngô Minh Như, thuộc Phòng khám Ngũ Quan, Tai Mũi Họng - Mắt - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, chia sẻ rằng viêm mũi dị ứng là bệnh lý mạn tính, gây khó chịu với các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, và hắt hơi liên tục, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Dưới đây là năm bài thuốc từ các loại thảo dược gần gũi, dễ tìm, có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng hiệu quả:
1. Gừng tươi: "Vị cứu tinh" cho hệ hô hấp
Gừng tươi là một loại thảo dược quen thuộc trong y học cổ truyền với tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Gừng chứa các thành phần như Zingeron và Shogaola, giúp loãng dịch nhầy, giảm phù nề, và làm dịu niêm mạc vùng mũi, họng. Đồng thời, gừng còn giúp làm ấm cơ thể, rất hữu ích trong những ngày thời tiết se lạnh.
Cách sử dụng: Lấy 3-6g nước cốt gừng tươi pha với nước ấm và uống trong ngày. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng 5-10g gừng tươi đập dập, kết hợp cùng vỏ chanh và sả, pha với nước sôi để xông mũi.
2. Bạc hà: Giảm nghẹt mũi, làm dịu niêm mạc
Bạc hà với hương thơm đặc trưng và vị cay nhẹ có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn và làm dịu niêm mạc mũi. Bạc hà giúp giảm các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi và hắt hơi. Đồng thời, loại thảo dược này còn giúp cơ thể giải biểu, ra mồ hôi, giảm cảm sốt và đau đầu.
Cách sử dụng: Lấy 5g lá bạc hà tươi nấu với 200ml nước, uống mỗi 3 giờ/lần. Bạn cũng có thể sử dụng 0,02-0,2ml tinh dầu bạc hà cho vào ly nước sôi và xông mũi.
3. Tía tô: Chống viêm, giảm phù nề
Tía tô không chỉ quen thuộc trong ẩm thực mà còn là vị thuốc quý trong đông y. Tía tô có chứa các hợp chất Perillaaldehyde và Limonene, có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giúp giảm phù nề niêm mạc hô hấp trên. Với vị cay, tính ấm, tía tô còn giúp phát tán phong hàn, lý khí, và hóa đàm.
Cách sử dụng: Lấy 10g lá tía tô và 6g gừng tươi nấu sôi, để nguội ấm rồi uống trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp tía tô, kinh giới và bạc hà (mỗi loại 10g) nấu sôi để xông mũi.
4. Kinh giới: Tác dụng chống dị ứng, giải cảm
Kinh giới là loại thảo dược có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giảm phù nề và chống dị ứng nhờ chứa các hợp chất như tinh dầu menton và limonen. Kinh giới còn có tác dụng giải cảm, thanh nhiệt, và chữa đau đầu.
Cách sử dụng: Lấy 20g kinh giới tươi nấu với 500ml nước, uống khi còn ấm. Bạn cũng có thể kết hợp kinh giới, bạc hà và tía tô (mỗi loại 10g) nấu sôi và xông mũi để giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng.
5. Hành: Sát khuẩn, giảm viêm hiệu quả
Hành không chỉ là nguyên liệu nấu ăn phổ biến mà còn là cây thuốc quý. Tinh dầu hành có tác dụng sát khuẩn mạnh, giúp giảm viêm, giảm phù nề, và làm dịu niêm mạc mũi. Hành thường được dùng để ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, và hỗ trợ điều trị các triệu chứng ngạt mũi, đau đầu.
Cách sử dụng: Lấy 30-60g hành giã nát, thêm nước sôi vào để xông mũi hoặc sắc nhỏ hành rồi bỏ vào cháo nóng ăn.
Lưu ý để giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng
TS.BS Minh Như cũng chia sẻ một số lưu ý quan trọng để giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng viêm mũi dị ứng, đặc biệt trong những ngày mưa bão ẩm ướt:
- Duy trì môi trường sống khô thoáng: Độ ẩm cao dễ làm các triệu chứng viêm mũi dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể sử dụng máy hút ẩm, điều hòa không khí và mở cửa sổ khi có nắng để giảm độ ẩm trong nhà.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên: Giữ cho nhà cửa sạch sẽ, sử dụng máy hút bụi để làm sạch bụi bẩn, thay chăn ga gối đệm định kỳ để hạn chế tác nhân gây dị ứng.
- Bảo vệ đường hô hấp: Khi ra ngoài, cần mang khẩu trang và mặc áo khoác để bảo vệ cơ thể. Giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ và ngực cũng là biện pháp quan trọng để tránh bị cảm lạnh.
- Sử dụng nước muối sinh lý: Rửa mũi thường xuyên đối với các trường hợp có nhiều dịch mũi sẽ giúp làm sạch đường mũi, giảm tình trạng ngạt mũi và khó chịu.
- Chế độ ăn uống và vận động: Dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố quan trọng để tăng cường sức đề kháng. Bổ sung vitamin C từ các loại trái cây và rau quả, uống đủ 2 - 2,5 lít nước/ngày. Đồng thời, nên duy trì vận động thể dục thể thao đều đặn, ưu tiên các hoạt động trong nhà để giữ cơ thể khỏe mạnh.
- Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ: Đối với những trường hợp bệnh nặng hoặc không thuyên giảm, người bệnh cần theo dõi và tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Trong mùa mưa bão, viêm mũi dị ứng trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Với những bài thuốc từ các loại thảo dược tự nhiên cùng các biện pháp chăm sóc phù hợp, người bệnh có thể giảm bớt các triệu chứng, đồng thời cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
>> Loại cây vừa là gia vị, vừa là thảo mộc giúp giảm nguy cơ ung thư, đã được khoa học chứng minh