Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định 5 trường hợp can thiệp sớm đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngày 18/1, với 91,28% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/7/2024.
Trước đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không có quy định về trường hợp can thiệp sớm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 chỉ dành Điều 130a để quy định về can thiệp sớm.
Theo Luật mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp sau:
Thứ nhất, số lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này.
Thứ hai, xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định.
Thứ ba, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Luật trong thời gian 30 ngày liên tục.
Thứ tư, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 6 tháng liên tục.
Thứ năm, bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi NHNN.
Trong Luật năm 2017 chỉ quy định ba điều kiện bị can thiệp sớm, đồng thời, những điều kiện này cũng không khắt khe như trong Luật mới.
Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Tín hiệu tích cực cho hệ thống ngân hàng?
Thủ tướng sẽ quyết định cho khoản vay đặc biệt với lãi suất 0%